Sáng 5-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước, những diễn biến mới, khác, những điểm phức tạp, những kết quả đạt được, những mặt chưa được, phân tích các nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp để tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19 thời gian tới.
Vừa qua, đã xuất hiện biến chủng mới ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, có nước xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, trong khi kinh nghiệm cho thấy các nước phát triển thường bùng phát dịch trước Việt Nam khoảng vài tháng.
Ở trong nước, vẫn có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đặc biệt là tốc độ tiêm vaccine còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó có việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và mũi thứ 3 cho người từ 12 đến 17 tuổi, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo.
Thủ tướng nêu rõ, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch... Trong đó, thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Việc tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.
Thủ tướng nhắc lại “kinh nghiệm xương máu” khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội. “Xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khó khăn như vậy”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn thảo luận về nguyên nhân khiến có nơi, có lúc còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh, tốc độ tiêm vaccine chưa đạt mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Cùng với đó là các giải pháp bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống, điều trị các loại dịch bệnh khác…
* Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 3-7-2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (tỷ lệ sử dụng đạt 97,3%). Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 67,6% và 31,1%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, 98,7% và 10,6%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 52,6% và 20,3%. Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới: tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia châu Âu như Italia, Đức, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Ba Lan...
Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam, biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay), do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.
Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới. Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2.
Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Để tiếp tục phát huy, tăng cường năng lực phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Các bộ, ngành cần:
Chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; Chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy mạnh công tác tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội; Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh.
Về y tế: tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, ổn định và phát triển thị trường lao động, bảo đảm đời sống an sinh xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch; giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ về chi trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan tới công tác phòng, chống dịch.
Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh hơn nữa thông tin, truyền thông về tiêm vaccine, lợi ích và hiệu quả của vaccine phòng COVID-19; Chuyển tải thông điệp mới (V2K) rõ ràng, dễ hiểu để người dân yên tâm và không chủ quan, lơ là…