Nhiều người “né” test, nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu

Tùng Lâm 08:07, 15/09/2022

Tính đến ngày 13-9, Thái Nguyên còn 680 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà và trên 90 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 1 bệnh nhân mức độ nặng, còn lại ở mức độ nhẹ và vừa. Dù vậy, thời điểm hiện tại đã xuất hiện tâm lý chủ quan với dịch, không chủ động test nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm khi có triệu chứng của bệnh. 

Cán bộ Y tế phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) làm thủ tục ra Quyết định cách ly tại nhà đối với những trường hợp có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
Cán bộ Y tế phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) làm thủ tục ra Quyết định cách ly tại nhà đối với những trường hợp có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Qua tìm hiểu tại một số cửa hàng kinh doanh thuốc trên địa bàn TP. Thái Nguyên, chúng tôi được biết, số người đến mua kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 về sử dụng không nhiều. Chị Ngọc Hảo, chủ một quầy thuốc trên đường Bắc Kạn, nói: Khoảng nửa năm trước, nhu cầu sử dụng test nhanh tăng đột biến, chúng tôi thường xuyên không có hàng để bán. Khi dịch bệnh giảm dần, nhu cầu sử dụng kit test cũng ít đi, mặt hàng này không còn khan hiếm nữa. Đặc biệt, 2 tháng nay, có những ngày, không có khách hàng nào hỏi mua test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Chia sẻ của chị Hảo phần nào cho thấy, số người sử dụng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Nguyên nhân được xác định là do dịch bệnh “thoái trào”, số ca mắc COVID-19 giảm nhanh, đa phần bà con đã không còn tâm lý tích trữ các bộ test. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay đang xuất hiện tình trạng đáng lo ngại khi một bộ phận người dân có triệu chứng của bệnh nhưng không chủ động test để kiểm tra mà vẫn tham gia các hoạt động tập thể, đi đến những nơi công cộng...

Đáng báo động, nhiều người xem nhẹ việc mắc COVID-19 nên không quan tâm tới việc phòng, chống dịch. Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho rằng: Việc người dân không chủ động phát hiện và cách ly khi mắc COVID-19 kịp thời rất có thể sẽ làm bùng phát đợt dịch mới. 

Thực tế tình hình dịch bệnh trong hơn 2 năm vừa qua cho thấy, chính sự chủ quan và ý thức của những người mắc COVID-19 đã làm lây lan dịch với cộng đồng.

Ngoài tình trạng nêu trên, theo các cán bộ y tế ở cơ sở, nhiều người dân khi có các biểu hiện của bệnh như ho, sốt, chảy nước mũi… nhưng lại không chủ động sử dụng test nhanh kháng nguyên để xác định xem mình có bị mắc COVID-19 hay không. Khi được nhắc nhở thì họ thường thoái thác để tránh không phải test, xét nghiệm SARS-CoV-2. Không ít người tự mặc định mình chỉ bị cảm cúm thông thường và bỏ qua các biện pháp cách ly, phòng dịch.

Nhiều trường hợp có những biểu hiện của bệnh rất rõ ràng, nhưng khi bị thúc ép mới chịu test và phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Chị L.T.H, một người vừa phát hiện mắc COVID-19, lý giải: Thời điểm này, nhiều người mắc cúm mùa nên tôi nghĩ mình chỉ bị cảm cúm, chứ tôi có đi la cà, tụ tập nhiều đâu mà mắc bệnh… Thú thật là tôi cũng rất sốc khi biết mình “dính” COVID-19.

Những người có triệu chứng mắc COVID-19 nhưng cố tình né tránh test đã đưa ra rất nhiều lý do để biện hộ cho hành động của mình. Tuy nhiên, sự chủ quan của họ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến cộng đồng. Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Dịch bệnh “thoái trào”, cuộc sống đã dần trở lại như trước, nhưng không có nghĩa là được phép chủ quan với COVID-19. Cùng với việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, bà con cần tiêm vắc-xin phòng COVID-19 (mũi 3, mũi 4) đúng lịch. Đặc biệt, cần chủ động làm xét nghiệm, sử dụng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 ngay khi có các triệu chứng của bệnh để phát hiện, cách ly, điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng…

Ngoài những biện pháp trên, nhiều ý kiến trong dư luận xã hội cũng cho rằng, việc xử lý vi phạm cần được thắt chặt cũng là một trong những biện pháp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thời điểm này.