Trẻ nhập viện tăng đột biến, nhiều bệnh tăng nặng và có xu hướng dai dẳng hơn

Theo baotintuc.vn 18:09, 22/09/2022

Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm phổi... đang tăng cao đột biến, bệnh viện phải tăng cường giường điều trị.

Đa số trẻ nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp.
Đa số trẻ nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp.

Bệnh "chồng" bệnh

Ghi nhận tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), những ngày gần đây giường bệnh luôn chật kín trẻ nhập viện. Trong giờ nhân viên y tế đi tiêm thuốc, tiếng trẻ con khóc, tiếng ho, tiếng dỗ dành khiến không khí trở nên khá ngột ngạt.

Vừa bế con vừa dỗ dành, anh Trịnh Văn Cương (ở Khuyến Lương, Hoàng Mai, Hà Nội) mệt mỏi cho biết: "Cháu nhà tôi nằm viện đã hơn 10 ngày nay. Ban đầu, cháu có biểu hiện sốt, gia đình cho đi viện khám thì được cho về điều trị tại nhà, nhưng sau đó lại có biểu hiện nặng lên, nên cháu phải nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi do virus; tuy nhiên sau khi vừa đỡ viêm phổi thì cháu lại bị thêm viêm tai giữa nên lại phải tiếp tục nằm viện điều trị".

"Cách đây mấy hôm, con tôi có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, ho, khó thở nên vợ chồng tôi đưa con đến bệnh viện khám thì các bác sĩ kết luận cháu bị viêm đường hô hấp và phải nhập viện. Hiện cháu đã đỡ hơn, chúng tôi cũng mong cháu được điều trị đến lúc khỏi hẳn để về cho yên tâm", anh Nguyễn Chí Hiếu, phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai chia sẻ.

BS. Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết: "Khoảng 1 tháng nay, số trẻ nhập viện có dấu hiệu tăng nhanh, chủ yếu trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, chúng tôi đã ghi nhận một số trẻ mắc viêm phổi do virus Adeno. Các trường hợp nhập viện phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, cũng có trẻ lớn từ 5-14 tuổi nhập viện chủ yếu do mắc sốt xuất huyết”.

Hiện với số bệnh nhi tăng nhanh, Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) đã phải tăng cường mượn của Khoa Ngoại tổng hợp 2 phòng bệnh để phục vụ điều trị. Trong tình hình bệnh nhân đông, nếu bác sĩ chỉ định trẻ có thể điều trị tại nhà thì bố mẹ nên theo dõi trẻ tại nhà để trẻ được chăm sóc đảm bảo an toàn, có vấn đề có thể gọi trực tiếp đến số hotline của Khoa Nhi để được hỗ trợ kịp thời.

Riêng với bệnh do nhiễm virus Adeno, theo BS. Vũ Thị Mai, dự đoán dịch do virus Adeno có thể là mùa dịch tiếp theo sau cúm. Trẻ mắc virus Adeno thường kết hợp với triệu chứng viêm kết mạc, ho nhiều, khò khè và đi ngoài. Với các trường hợp này, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ. Khi thấy có dấu hiệu khò khè, thở nhanh thì có thể có biểu hiện viêm phế quản, viêm phổi thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Cách nhận biết các dấu hiệu nặng

Theo BS Vũ Thị Mai, đôi khi cũng do cha mẹ nghe nhiều các thông tin từ mạng và quá sợ hãi, lo lắng quá mức; thậm chí cũng có nhiều trường hợp cha mẹ vẫn năn nỉ cho con nhập viện dù chưa thực sự cần thiết. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách theo dõi các dấu hiệu của con như đấu hiệu ở đường hô hấp, tuần hoàn; nếu con có các triệu chứng như: Khó thở, bỏ bú, li bì, đi ngoài nhiều, nhịp tim nhanh, thở nhanh, tím tái… thì chắc chắn phải nhập viện.

Còn lại, với trẻ nhiễm virus thông thường, đa số là lành tính, chỉ có các biểu hiện như: Sốt, viêm long đường hô hấp trên, chảy mũi, ho húng hắng vài tiếng… thì chỉ cần theo dõi tại nhà; chỉ những những trường có dấu hiệu liên quan đến chức năng sinh tồn thì phải nhập viện theo dõi.

Với trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại nhà, cha mẹ cần lưu ý cách vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ ở mũi, họng, là nơi vi khuẩn, virus dễ bám đầu tiên; nên cách ly với các trẻ đã có triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm; tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn đủ vi chất, ngủ đúng giờ.

"Trẻ cần được vệ sinh đường họng hằng ngày bằng cách xịt họng hoặc súc miệng để phòng bệnh. Với những trẻ đã có triệu chứng nước mũi màu xanh thì cha mẹ nên rửa mũi cho trẻ hằng ngày bằng nước muối. Nếu trẻ không có các triệu chứng trên thì không nên rửa mũi cho trẻ, tránh tình trạng bơm rửa mũi nhiều cho trẻ nếu không biết cách sẽ vô tình đẩy các tác nhân sang các xoang bên trong như xoang mũi, vào tai giữa", BS. Vũ Thị Mai khuyến cáo.