Tết đoàn viên - ưu tiên sức khỏe

Tùng Lâm 10:06, 14/01/2023

Khi làn mưa bụi giăng giăng khắp nẻo đường gọi Xuân về, cũng là lúc hơn 1,3 triệu người dân Thái Nguyên rộn ràng đón Tết. Mọi nhà được đoàn viên khi bao người con xa quê trở về sum họp bên người thân và mong chờ thưởng thức những hương vị Tết thân quen. Dẫu vậy, trong những ngày quây quần bên nhau, mỗi gia đình cũng cần quan tâm đến sức khỏe để có thể tận hưởng một cái Tết trọn vẹn…

Ngày Tết, trẻ nhỏ rất cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe bởi đây cũng là thời điểm giao mùa. Ngoài việc giữ ấm, không nên cho trẻ ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt có ga… Trong ảnh: Hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết của Trường mầm non Hoa Hướng Dương (TP. Thái Nguyên).
Ngày Tết, trẻ nhỏ rất cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe bởi đây cũng là thời điểm giao mùa. Ngoài giữ ấm, không nên cho trẻ ăn đồ nhiều dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt có gas… Trong ảnh: Hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết của Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (TP. Thái Nguyên).

Gần một năm đã qua nhưng bà Hà Thị Mơ, ở xã Hợp Thành (Phú Lương) vẫn nhớ rõ những ngày Tết phải vất vả ở trong bệnh viện chăm sóc người chồng bị xuất huyết dạ dày do uống quá nhiều rượu. Bà kể: Ngày 30 Tết năm ngoái, mọi nhà được đoàn viên, còn tôi thì chạy ngược, chạy xuôi lo chăm chồng. Cả gia đình cũng vì thế mà “mất” Tết. Thường ngày, ông ấy không uống nhiều rượu nhưng ngày Tết, do cả nể, mọi người mời nhiệt tình nên quá chén thành ra phát bệnh…

Trong những ngày Tết, tình trạng "vui xuân quá chén" như chồng bà Mơ không phải là hiếm. Bác sĩ Lê Duy Đạo, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho biết: Uống rượu, bia quá nhiều không chỉ làm tăng nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đột quỵ…

Ngoài ra, theo các bác sĩ, trong những ngày Tết, số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm cũng tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, dịp Tết hằng năm (từ 30 tháng Chạp năm trước đến mùng 5 hoặc mùng 6 tháng Giêng năm sau), Khoa tiếp nhận từ 1.000 đến 1.500 lượt bệnh nhân. Trong đó có đến 1/5 bị ngộ độc thực phẩm (tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường) và nhiều trường hợp bị xuất huyết dạ dày, đột quỵ…

Tết là khoảng thời gian các gia đình “thả lỏng”, chỉ tập trung ăn uống, vui chơi nên nhiều người “bỏ bẵng” bản thân, ăn uống thiếu khoa học, thay đổi “đồng hồ” sinh học khiến cho sức khỏe giảm sút. Các bác sĩ cho rằng, đây là một “thói quen” cần phải loại bỏ và thay vào đó là duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, không nên thức quá khuya, nhất là những người có bệnh cao huyết áp, tim mạch.

Bác sĩ Lê Duy Đạo cho rằng: Mọi người, mọi nhà vui xuân mới nhưng không nên lạm dụng rượu, bia. Cùng với đó là cảnh giác với ngộ độc thực phẩm bằng cách bảo quản thực phẩm thật tốt; duy trì những thói quen có lợi như rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chuẩn bị bữa ăn; để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín; thức ăn phải được nấu chín trước khi ăn; chỉ dùng nước sạch và thực phẩm an toàn.

Để giữ gìn sức khỏe trong những ngày Tết, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên uống từ 1,5 đến 2,5 lít nước/ngày để giúp tăng cường trao đổi chất, thanh thải độc cho cơ thể và duy trì sức sống của làn da. Đồng thời, ăn nhiều chất xơ và hạn chế những món ăn nhiều mỡ (thịt kho tàu, bánh chưng…), chia bữa ăn chính ra thành nhiều bữa nhỏ và ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây. Ăn uống vừa phải, không quá no và ăn kèm với thực phẩm lên men như: dưa cải, kim chi nhằm tăng khả năng tiêu hóa nhờ sự hoạt động của các loại men vi sinh; không nên ăn những thức ăn đã để quá 6 giờ và tốt nhất là ăn ngay sau khi chế biến.

Ngày Tết sẽ mất nhiều thời gian cho việc dọn dẹp, nấu nướng, chúc Tết nhưng mọi người vẫn nên duy trì luyện tập khoảng 15 phút mỗi ngày với những động tác vận động toàn thân nhằm giúp cho cơ thể tiêu hao lượng calo thừa. Đặc biệt, không tự mua thuốc về điều trị khi có các vấn đề về sức khỏe mà nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…