Những năm qua, ngành Y tế Thái Nguyên luôn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học sâu rộng trong toàn hệ thống. Mỗi năm, Ngành công nhận kết quả nghiệm thu trên dưới 200 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Các kết quả nghiên cứu này đã góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Các y, bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện kỹ thuật tán sỏi thận qua da cho bệnh nhân. |
Năm 2022, đề tài nghiên cứu khoa học “Kết quả điều trị sỏi thận bằng phẫu thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ tại Bệnh viện A Thái Nguyên” do bác sĩ Nguyễn Đức Trường làm chủ nhiệm đã được xếp loại Giỏi.
Theo bác sĩ Trường, đây là phương pháp nội soi mới, được áp dụng và đem đến hiệu quả điều trị sỏi thận, sỏi bể thận - niệu quản, có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp mổ mở thông thường như trước đây. Kết quả điều trị cho các bệnh nhân tại Bệnh viện cho thấy, do can thiệp ít xâm lấn nên người bệnh ít đau, ít chảy máu, hầu như không thấy sẹo, không ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Thời gian nằm viện ngắn hơn mổ mở, ít ảnh hưởng tới chức năng thận, bệnh nhân hồi phục nhanh, hạn chế tối đa khả năng sót sỏi.
Đây chỉ là 1 trong 237 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được ngành Y tế công nhận trong năm 2022. Trong đó có 3 đề tài xếp loại Xuất sắc; 19 đề tài xếp loại Giỏi; 185 đề tài xếp loại Khá; 30 đề tài đạt yêu cầu. Trong số này, nhiều đề tài được đề nghị công nhận đề tài sáng kiến cấp tỉnh.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hằng năm, Sở Y tế luôn có văn bản, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. 100% đơn vị trực thuộc đã tích cực hưởng ứng, triển khai tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ tham gia nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, hầu hết các đơn vị đã phát triển khoa học kỹ thuật thông qua việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào khám chữa bệnh nên có tính ứng dụng cao.
Ngoài ra, để phong trào nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu, Ngành đã xây dựng chương trình phát triển một cách tổng thể, đồng bộ, có định hướng chuyên sâu theo từng lĩnh vực. Các đơn vị trực thuộc căn cứ vào chương trình phát triển y tế chung của ngành, kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình, từ đó có lộ trình và hướng đi phù hợp.
Có thể thấy, nhờ quan tâm triển khai công tác nghiên cứu khoa học, những năm gần đây, số đề tài nghiên cứu khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học trong ngành Y tế tăng cả về số lượng và chất lượng. Các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học đều giải quyết những yêu cầu từ thực tế của mỗi đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn không ít những khó khăn do thời gian đầu tư xây dựng của đa số đơn vị trực thuộc đã lâu, cơ sở vật chất xuống cấp; hệ thống trang thiết bị đã lạc hậu nên hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, đòi hỏi máy móc, trang thiết bị thế hệ mới còn hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ chế thu hút, ưu đãi cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học chưa thực sự hiệu quả. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học nhiều nhưng nhìn chung chất lượng chưa đồng đều. Một số đề tài đạt chất lượng chủ yếu thuộc các đơn vị y tế tuyến tỉnh.
Đối với các đơn vị y tế tuyến cơ sở, công tác nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học chưa cao. Mặt khác, dù được chú trọng phát triển nhưng hằng năm, nguồn kinh phí bố trí cho nghiên cứu rất khó khăn.
Trong khi đó, nhiều đơn vị đang phải đối mặt với việc tự chủ về kinh phí nên tiếp tục thắt chặt chi tiêu, giảm nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu, chưa tập trung đầu tư cho hệ thống khám chữa bệnh ngay từ tuyến cơ sở...
Để công tác nghiên cứu khoa học được chuyên sâu và phát triển rộng hơn, thời gian tới, Hội đồng Khoa học ngành Y tế đã có định hướng nghiên cứu cho từng năm theo các chuyên đề. Trong đó tập trung vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dự phòng bệnh tật, chẩn đoán, điều trị bệnh ở người; phát triển dược phẩm, trang thiết bị y tế, sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc Việt Nam phục vụ điều trị, chăm sóc sức khoẻ con người…
Ông Đặng Ngọc Huy cho biết thêm: Nhằm tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ngành Y tế sẽ tập trung vào các giải pháp đồng bộ như tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang bị các thiết bị hiện đại; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là các cán bộ có trình độ chuyên sâu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác khám chữa bệnh, cũng như có đủ khả năng tiếp tục sử dụng thành thạo các thiết bị y tế hiện đại. Song song với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trước mắt ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số... trong y học nhằm hiện đại hóa công tác khám chữa bệnh, phù hợp với thời đại cách mạng công nghệ 4.0…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin