Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 bệnh nhân tâm thần đang được quản lý, điều trị và chăm sóc hiệu quả tại cộng đồng. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, không chỉ giúp người bệnh được chăm sóc tốt ngay tại gia đình mà còn giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Cùng với việc kiểm soát các bệnh mạn tính, người cao tuổi cũng cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi. |
Là mẹ đơn thân (chồng mất sớm), một mình nuôi 3 con, mấy năm trước, bà N.T.P, 67 tuổi, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên) từng rơi vào trạng thái tuyệt vọng khi con trai không ngoan, công việc thất thường. Đã có lúc, bà không muốn tiếp xúc với người khác và từng có ý nghĩ “chết quách” đi cho xong. Sau đó, bà được các cán bộ y tế điều trị và tình trạng tinh thần của bà ổn định trở lại. Giờ đây, bà đã tìm lại được niềm vui trong cuộc sống khi có những người bạn sẻ chia, tâm sự…
Không chỉ riêng bà P., có nhiều trường hợp được chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, trong đó có hơn 2.700 bệnh nhân tâm thần phân liệt được quản lý, điều trị, chăm sóc hiệu quả.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh, cho biết: Khi mắc bệnh thần kinh phân liệt, bệnh nhân được điều trị ổn định tại bệnh viện rồi mới đưa về chăm sóc và điều trị theo chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tại Thái Nguyên, chương trình này đã triển khai tại 178/178 xã, phường, thị trấn. Người bệnh tham gia chương trình được điều trị miễn phí tại cơ sở y tế nơi gần nhất.
Việc quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng ở Thái Nguyên đạt hiệu quả là do công tác tuyên truyền về bệnh tâm thần đã được thực hiện khá đồng bộ. Nhất là tại 10 xã, phường của TP. Thái Nguyên tham gia hợp phần cộng đồng của Dự án "Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả tại Thái Nguyên”. Hợp phần này do tổ chức BasicNeeds Việt Nam tài trợ cách đây hơn 3 năm.
Cùng với đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân cũng được ngành chức năng đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh, nhằm đẩy lùi sự kỳ thị của xã hội về căn bệnh này.
Bà Lê Thị Hạnh, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), nói: Từ khi được tuyên truyền, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cả gia đình tôi đã được nâng lên. Khi các con tôi có những dấu hiệu như mất ngủ, có suy nghĩ tiêu cực do áp lực công việc, ngại giao tiếp… tôi yêu cầu các cháu đi khám sức khỏe tâm thần để được phát hiện, điều trị kịp thời. Từ đó giúp cho tinh thần lạc quan, vui vẻ, chất lượng cuộc sống tốt hơn…
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cơ sở y tế tuyến xã; y tế thôn bản; người nhà bệnh nhân cũng đã được Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh thường xuyên tập huấn nghiệp vụ về chăm sóc, phát hiện và quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Nhờ đó, lực lượng y tế tuyến xã đều có thể tổ chức khám lại, cấp phát thuốc và quản lý bệnh nhân một cách chặt chẽ. Các nhân viên y tế thôn bản cũng biết cách theo dõi, giám sát tiến triển của người bệnh.
Đặc biệt, việc người thân luôn gần gũi, động viên người bệnh kịp thời, cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ… cũng đã giúp cho công tác quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh tâm thần tại cộng đồng tốt hơn.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định những công tác quản lý, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Thái Nguyên vẫn đang gặp không ít khó khăn do số người mắc rối loạn tâm thần do nghiện rượu, sử dụng ma túy tổng hợp... có xu hướng gia tăng; một bộ phận gia đình, người thân đang còn tâm lý sợ bị dị nghị khi có người nhà mắc bệnh tâm thần dẫn đến nhiều bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nhưng chưa thể tiếp cận dịch vụ y tế…
Do đó, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, mỗi gia đình hãy chủ động theo dõi, phát hiện sớm những thay đổi bất thường, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được tư vấn, giúp đỡ, điều trị kịp thời; không nên phân biệt đối xử, xa lánh, kỳ thị đối với người bệnh…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin