Không chỉ với COVID-19, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, thời tiết nồm ẩm những ngày qua khiến nhiều loại bệnh nguy hiểm khác như: Hen phế quản, vi rút hợp bào hô hấp (RSV), cúm, tay chân miệng, thủy đậu… cũng gia tăng, dẫn đến nguy cơ “bệnh chồng bệnh”.
Gia tăng trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Nhiều bệnh truyền nhiễm “tấn công”
Trung bình mỗi ngày, Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận khoảng 60-80 bệnh nhi đến khám. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có ngày khoa tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi (tăng từ 30%-50%), trong đó có rất nhiều trẻ đến khám vì ho, thở khò khè, thở rít, hen phế quản.
TS Lê Quỳnh Chi, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp cho hay, do thời tiết thay đổi thất thường, trời mưa, nồm ẩm nên tỷ lệ bệnh nhi bị hen nhập viện khá đông. Đa phần, trẻ nhập viện trong tình trạng khó thở, phải thở ô xy với biểu hiện cơn hen phế quản từ mức độ trung bình trở lên.
Đơn cử như bé H.N (4 tuổi ở Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng khó thở, ho nhiều kèm nôn. Bà của bé cho biết, bé được chẩn đoán mắc hen phế quản lúc 3 tuổi. Mỗi khi thay đổi thời tiết, bé thường ho rất nhiều. Lần nào bé ho đều nôn và khó thở nên phải nhập viện để thở ô xy và khí dung.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh nhi nhập viện do các bệnh lý đường hô hấp như: Cúm, vi rút hợp bào hô hấp (RSV), viêm phổi do metapneumovirus, tay chân miệng, nhiễm phế cầu… tăng cao. Riêng số ca mắc RSV tăng gấp 3 lần so với tháng trước. Ước tính, cứ khoảng 3 trẻ mắc RSV thì có 1 trẻ phải nhập viện điều trị do các biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi, viêm tai giữa. Đó thường là những trẻ dưới 1 tuổi, mắc bệnh lý nền, tim bẩm sinh, sinh non…
3 ngày trước khi bị ốm, sốt, bỏ bú, bé B.L (9 tháng tuổi, ở Hà Nội) làm xét nghiệm RSV tại một bệnh viện nhưng có kết quả âm tính nên được hướng dẫn điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bé càng ngày càng mệt, có lúc sốt lên 40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Tại đây, sau khi xét nghiệm, chụp X-quang phổi, bác sĩ kết luận, bé L bị viêm phế quản phổi do nhiễm RSV, biến chứng suy hô hấp. Bé được thở ô xy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, chăm sóc dinh dưỡng và phục hồi chức năng hô hấp, hiện tình trạng ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Khoa Nhi của bệnh viện cho biết, bệnh nhi nhỏ tuổi, hệ miễn dịch còn non yếu, có tiền sử nhiễm COVID-19. Đây có thể là nguyên nhân khiến RSV chuyển nặng ở trẻ.
Bệnh nhi mắc vi rút hợp bào hô hấp (RSV) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. |
Không chỉ trẻ nhỏ, tại bệnh viện còn tiếp nhận không ít người lớn cũng mắc RSV. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, Khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, RSV trên người lớn đa phần không nguy hiểm, nhưng vẫn có nguy cơ chuyển nặng ở nhóm người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy giảm miễn dịch, ghép tạng… Các biến chứng nguy hiểm nhất là viêm phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, đợt cấp của bệnh hô hấp mạn tính, có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
“Ngoài RSV, gần đây, Khoa Hô hấp còn tiếp nhận thêm nhiều trường hợp người lớn tuổi mắc cúm nặng, có biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải thở ô xy hoặc thở máy không xâm nhập. Một số người gặp tình trạng cúm kéo dài, điều trị không dứt điểm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đặc biệt, người có bệnh lý nền nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Ngân thông tin thêm.
Tránh lây nhiễm chéo, không để mầm bệnh phát tán
Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4/2023 đến nay. Riêng ngày 13-4, cả nước ghi nhận 497 ca COVID-19. Đây là số mắc cao nhất trong khoảng 4 tháng qua ở nước ta. Các chuyên gia lo ngại, nguy cơ “bệnh chồng bệnh”, khi đồng nhiễm cúm hay các bệnh lý hô hấp khác với COVID-19 sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), các bệnh lý nền nói chung khi gặp tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút sẽ là nhân tố kích thích, tạo điều kiện thúc đẩy tình trạng bệnh nền trở nên bất ổn. COVID-19 cũng là một điều kiện rõ ràng làm nặng lên bệnh sẵn có của người bệnh.
SARS-CoV-2 khi xâm nhập cơ thể sẽ tàn phá miễn dịch, xâm nhập hệ hô hấp của người bệnh và toàn cơ thể. Đặc biệt, đối với người có bệnh nền như hen phế quản, SARS-CoV-2 có thể dẫn đến cơn hen và các vấn đề về phổi nghiêm trọng khác.
Tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19. |
Theo một số nghiên cứu trên thế giới, người trưởng thành nhập viện nhiễm đồng thời vi rút SARS-CoV-2 và vi rút cúm có nguy cơ bị bệnh nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 2,4 lần so với các bệnh nhân chỉ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc nhiễm một trong số các loại vi rút khác.
Chính vì vậy, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh. Cùng với đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải của người bệnh, không để mầm bệnh phát tán gây dịch trong bệnh viện hoặc lan ra cộng đồng.
Để phòng ngừa lây nhiễm bệnh, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện nhiễm bệnh. Nếu trong nhà có người nhiễm bệnh hô hấp dễ lây truyền như cúm, RSV, COVID-19, cần để người bệnh nằm phòng riêng, bảo đảm các biện pháp an toàn phòng dịch khi tiếp xúc. Người lớn nên hạn chế các hành động ôm hôn đối với trẻ nhỏ vì có thể làm lây lan các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Ngoài ra, mọi người cần tuân thủ tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là với nhóm nguy cơ cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin