Lần đầu tiên, Việt Nam có mô hình đào tạo chẩn đoán hình ảnh chất lượng quốc tế

Theo NDĐT 18:20, 20/05/2023

Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) đánh giá, Trung tâm Đào tạo nâng cao về chẩn đoán hình ảnh (AIEC) thuộc Viện Khoa học sức khỏe - Đại học VinUni là trung tâm đầu tiên ở Việt Nam và trong khu vực triển khai mô hình đào tạo chẩn đoán hình ảnh chất lượng quốc tế, vừa phục vụ công tác nghiên cứu, vừa phục vụ nâng cao năng lực thực hành của bác sĩ lâm sàng.

 

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm Đào tạo nâng cao về Chẩn đoán hình ảnh (AIEC).
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm Đào tạo nâng cao về Chẩn đoán hình ảnh (AIEC).

Ngày 20/5, Trung tâm Đào tạo nâng cao về Chẩn đoán hình ảnh (AIEC) thuộc Viện Khoa học sức khỏe - Đại học VinUni đã chính thức khai trương, đồng thời khai giảng Khóa CME (đào tạo y khoa học liên tục) đầu tiên.

Nâng tầm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam

Là sự phối hợp bài bản giữa trường y và bệnh viện thực hành, Tiến sĩ Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni cho biết, trung tâm sẽ là nơi mang lại những khóa học thực tiễn với giá trị khác biệt, không chỉ giúp nâng cao năng lực cán bộ y tế mà còn đóng góp cho sự thay đổi chất lượng chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam.

Trung tâm AIEC được xây dựng theo theo tiêu chuẩn quốc tế nhờ có sự kết hợp giữa 3 bên: Bệnh viện (Hệ thống Y tế Vinmec) - trường học (Đại học VinUni) - chuyên gia/trang thiết bị y tế hàng đầu thế giới (GE Healthcare Việt Nam).

Tham gia các khóa học tại trung tâm, học viên sẽ được tiếp cận với hệ thống phần cứng và phần mềm đủ bảo đảm cho người học có được trải nghiệm như ở bệnh viện. Các học viện cũng sẽ được đọc hình ảnh dưới dạng thông tin gốc (DICOM), được thực hành xử lý hình ảnh với các công cụ của PACS (hệ thống lưu trữ và truyền thông hình ảnh y tế).

Đồng thời, dữ liệu sử dụng trong khóa học được tổ chức có cấu trúc, giúp người học nắm được vấn đề một cách toàn diện, hệ thống và đầy đủ về một chủ đề cụ thể. Bài giảng lý thuyết gắn chặt với thực hành, giúp người học nắm chắc được vấn đề để xử lý hiệu quả các tình huống thực tế trong chẩn đoán và điều trị sau này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Giang (Trưởng bộ môn Điện quang, Đại học VinUni kiêm Giám đốc Khối Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Hệ thống Y tế Vinmec) cho biết, thực tế đòi hỏi các bác sĩ phải liên tục cập nhật kiến thức và thực hành để tối ưu hiệu quả điều trị. Các khóa học tại Trung tâm AIEC sẽ giúp các bác sĩ đã có kinh nghiệm tiếp tục cập nhật kiến thức mới kết hợp với thực hành trên các trang thiết bị hiện đại, mang tính thực tiễn cao.

"Mô hình tại trung tâm tiệm cận với phương pháp đào tạo trên thế giới, người học sẽ được tiếp cận cả về chẩn đoán, giải phẫu bệnh học... từ lý thuyết cơ bản tới thực hành. Chúng tôi mời các giảng viên nước ngoài chuyên về lĩnh vực đào tạo để sau khi học xong, học viên có thể thực hành trong mảng kiến thức đó", bác sĩ Giang cho hay.

Đặc biệt, GE Healthcare sẽ mời đến Việt Nam những chuyên gia hàng đầu, có kinh nghiệm về lĩnh vực chuyên sâu từ các bệnh viện lớn trên thế giới của Anh Quốc, Hoa Kỳ, Australia… để giảng dạy trực tiếp cho các học viên, đồng thời tham gia công tác đào tạo nâng cao cho giảng viên của Vinmec và VinUniversity.

Mô hình đào tạo tiệm cận thế giới.
Mô hình đào tạo tiệm cận thế giới.

Đây là một hình thức chuyển giao công nghệ; các giảng viên của Vinmec và VinUniversity sẽ được tiếp cận với quy trình chuyên môn, tiêu chuẩn giảng dạy chuẩn quốc tế, từ đó chủ động triển khai các khóa CME/CPD về sau, dự kiến tuyển sinh hằng tháng.

Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc GE HealthCare Việt Nam cho hay, sự đổi mới không ngừng của ngành công nghệ y tế đòi hỏi đội ngũ chuyên gia và nhân viên y tế phải có chuyên môn cao, học hỏi không ngừng. Do đó, AIEC sẽ giúp nâng tầm chất lượng cho nguồn nhân lực y tế, mang đến những cơ hội lớn cho nền y tế của Việt Nam trong tương lai.

Theo kế hoạch hợp tác giữa 3 bên, các khóa học chẩn đoán hình ảnh nâng cao dự kiến đào tạo cho khoảng 200-300 học viên trong nước và quốc tế mỗi năm. Sau khóa đầu tiên về cộng hưởng từ cơ xương khớp, trung tâm cũng sẽ tổ chức các khóa học liên quan đến lĩnh vực ung bướu, tim mạch…

Ngay sau khi kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục (CME) về chẩn đoán hình ảnh và có khả năng thực hành thành thạo các kỹ năng nâng cao để áp dụng vào công việc thực tế hằng ngày.

Việc thành lập AIEC đánh dấu một mốc quan trọng cho chiến lược phát triển năng lực học thuật trong lĩnh vực sức khỏe thông minh của VinUni. Mô hình AIEC là một mô hình tiêu biểu của đổi mới sáng tạo trong đào tạo tại VinUni: Chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế, có sự kết nối với chuyên gia toàn cầu, sử dụng dữ liệu lớn và có tính thực chiến cao.

Tiến sĩ Lê Mai Lan-Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni

Tiệm cận mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Giang cho biết, khóa học CME đầu tiên khai trương về cộng hưởng từ cơ xương khớp thu hút đông đảo học viên trong nước và quốc tế đăng ký. Tuy nhiên để bảo đảm bảo chất lượng giảng dạy và thực hành, mọi khóa học thuộc sẽ chỉ tuyển sinh tối đa 30 học viên.

Bên cạnh lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, Vinmec cũng sẽ phối hợp với Viện Khoa học sức khỏe-Đại học VinUni trong chiến lược đào tạo liên tục dài hạn về cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật… hướng tới nâng cao chất lượng toàn diện cho ngành y Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang đánh giá, mô hình trung tâm đào tạo của AIEC là mô hình đào tạo tiên tiến, tiệm cận với thế giới. Mô hình này không chỉ phục vụ cho công tác đào tạo trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, mà còn đưa ra chẩn đoán, hướng điều trị cho bác sĩ ở nhiều chuyên khoa.

"Chúng tôi đánh giá đây là mô hình tiên tiến, vừa phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo, nhưng cũng rất thực tế, chuyên sâu để phục vụ nâng cao năng lực thực hành của bác sĩ lâm sàng. Đây là hướng đào tạo bác sĩ chung trên thế giới. Những khóa đào tạo tại VinUni luôn có nhiều bác sĩ người nước ngoài đăng ký tham gia", Tiến sĩ Quang cho hay.

Theo ông Quang, vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có sự đổi mới đào tạo theo hướng đưa ra các dữ liệu hình ảnh, triệu chứng để học viên có thể đưa ra các chẩn đoán phù hợp. Tuy nhiên, sự đổi mới của Bộ Y tế hiện mới đang ở trên lý thuyết, còn việc tổng hợp tất cả đưa vào mô hình đào tạo mô phỏng thì Trung tâm AIEC là đơn vị tiên phong triển khai mô hình.

"Chúng tôi thấy đây là hướng đi phù hợp, cập nhật với thế giới, giúp cho năng lực thực hành của bác sĩ, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân. Bộ Y tế khuyến khích cho sự phát triển này. Chúng tôi mong muốn có sự hợp tác của các nhà tài trợ, của Tập đoàn VinGroup để phát triển hơn nữa mô hình này trong tương lai", ông Quang bày tỏ.

Các đại biểu tham quan Trung tâm.
Các đại biểu tham quan Trung tâm.

Vị này cũng nhấn mạnh, trước mắt, Viện Khoa học sức khỏe - Đại học VinUni sẽ vận hành các khóa đào tạo để cấp chứng chỉ cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc một số chuyên ngành khác. Nhưng quan điểm của Bộ Y tế rất mong VinUni đào tạo được đội ngũ bác sĩ chuyên khoa bền vững và lâu dài.

Do đó, Bộ Y tế khuyến khích VinUni đào tạo bác sĩ nội trú về chẩn đoán hình ảnh mà dựa chủ yếu vào năng lực thực hành của Trung tâm AIEC, giúp bác sĩ có năng lực hoàn chỉnh trong thời gian tới, tiến tới đào tạo để cấp văn bằng.