An toàn thực phẩm ở chợ truyền thống: Vẫn là bài toán khó!

Theo HNM 12:45, 30/09/2023

Chợ truyền thống là nơi cung cấp nguồn thực phẩm thường xuyên cho hầu hết người dân. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, cơ sở hạ tầng kém, ý thức của tiểu thương chưa cao nên tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Hiện vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống vẫn là bài toán khó với cơ quan chức năng.

Người dân chọn mua nông sản tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình). Ảnh: Đỗ Tâm
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Người dân chọn mua nông sản tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình). Ảnh: Đỗ Tâm

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 453 chợ, trong đó 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,31%), 58 chợ hạng 2 (chiếm 12,8%), 348 chợ hạng 3 (chiếm 76,82%). Trong tổng số 453 chợ, có 89 chợ kiên cố (chiếm 19,64%), 248 chợ bán kiên cố (chiếm 54,74%), 116 chợ lều lán tạm (chiếm 25,62%). Có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai); 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán...).

Chợ truyền thống chủ yếu kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, rau, quả và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống. Các chợ truyền thống phát triển tự phát, cơ sở hạ tầng kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số chợ, như: Chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); chợ Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì); chợ Cao, xã Cao Dương (huyện Thanh Oai); chợ Xanh, phường Văn Quán (quận Hà Đông)..., hàng hóa được bán rất đa dạng nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn. Các cửa hàng bán rau, củ, quả không có kệ, tiểu thương bày hàng xuống dưới đất lót bằng tấm ni lông, gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập diễn ra khá phổ biến.

Theo bà Nguyễn Thị Trang, kinh doanh thịt lợn tại chợ Xanh, phường Văn Quán (quận Hà Đông), trung bình mỗi ngày cửa hàng của bà bán được khoảng 1 tạ thịt lợn và đều lấy ở cơ sở giết mổ huyện Thanh Oai. Giao dịch bằng hóa đơn viết tay, không có giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ lợn được nuôi ở đâu?. Còn theo bà Nguyễn Thị Duyên, kinh doanh rau, củ, quả tại chợ Cao, xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), hằng ngày bà vẫn ra chợ đầu mối lấy rau về bán tại chợ Cao. Bà Duyên cũng chỉ biết lấy hàng tươi, ngon nhưng chưa chú trọng tới nguồn gốc rau được các tiểu thương lấy từ đâu?

Chủ tịch UBND xã Cao Dương Trần Thế Anh cho biết, hầu hết các chợ ở nông thôn phục vụ nhu cầu tự sản, tự tiêu của người dân; chợ họp tại sân đình của làng nên cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; không gian chật hẹp, các trang thiết bị, dụng cụ, giá kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định và cũng chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, sự hiểu biết các quy định về an toàn thực phẩm của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, người tiêu dùng dễ chấp nhận việc dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm vệ sinh, an toàn thực phẩm của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ...

Tăng cường tuyên truyền và quản lý nguồn gốc

Để kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống, đặc biệt là truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) Tạ Đăng Doanh cho hay, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại chợ; yêu cầu các hộ ký cam kết kinh doanh sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó, tổ chức những lớp tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, trong thời gian tới, huyện sẽ quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, yêu cầu các xã, thị trấn ký cam kết đối với các hộ kinh doanh tại chợ buôn bán hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm an toàn và thay đổi thói quen tiêu dùng từ dùng thịt nóng sang dùng thịt mát hoặc thịt đông lạnh, có kiểm soát về an toàn thực phẩm. Huyện cũng phối hợp với các sở, ngành thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và hộ kinh doanh, nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, cũng như ghi chép sổ sách nhật ký nhập hàng hóa từ các nơi về chợ buôn bán.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống, các địa phương cần bố trí kinh phí mua sắm trang, thiết bị phục vụ việc kiểm tra, phân tích mẫu, qua đó phát hiện độc tố, hóa chất tồn dư trong thực phẩm. Mặt khác, các địa phương phối hợp với Ban Quản lý chợ nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đối với chợ đã xuống cấp như: Cải tạo, nâng cấp về hệ thống điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt từ nguồn nước máy và giếng khoan, bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh, phục vụ tốt cho các hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh phải được khám sức khỏe, tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; có sổ sách, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quầy sạp phải bảo đảm vệ sinh..., nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.