Hiện nay, Thái Nguyên có hệ thống khám, chữa bệnh phát triển đồng bộ với 1 bệnh viện tuyến Trung ương hạng đặc biệt, 2 bệnh viện tuyến tỉnh hạng I, 9 bệnh viện hạng II cùng nhiều bệnh viện hạng III.
Đội ngũ cán bộ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. |
Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực con người và triển khai nhiều kỹ thuật mới, hiện đại... Nhờ đó, năm 2022, chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công trên địa bàn tỉnh đạt 92,5%.
"Đã lâu, hôm nay tôi mới lại có dịp đến khám sức khoẻ định kỳ tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên. Điều tôi ấn tượng nhất là ngay từ sáng sớm đã thấy đội ngũ “áo trắng” ngồi trực tại khu vực tiếp nhận và hướng dẫn mọi người lấy số, làm thủ tục khám, chữa bệnh với thái độ thân thiện, cởi mở, nhiệt tình…" - Đây là chia sẻ của người dân có tên Mạnh Vũ, một công dân TP. Thái Nguyên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên mà hầu hết các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đều quan tâm, cải tiến chất lượng bệnh viện, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh chính là yêu cầu đầu tiền để nâng cao chất lượng bệnh viện. Bởi vậy, thời gian qua, đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh luôn nâng cao y đức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Từ đó đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong, ngoài tỉnh.
Nhằm nâng cao chất lượng KCB, việc triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại trong điều trị người bệnh cũng là mục tiêu quan trọng mà các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh luôn hướng tới.
Hiện, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện của Thái Nguyên đã được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ và triển khai được một số kỹ thuật mới, cơ bản và chuyên sâu, như: Hỗ trợ sinh sản (IUI, IVF) tại Bệnh viện A Thái Nguyên; hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên; phát triển kỹ thuật ngoại khoa, chấn thương tại Bệnh viện C Thái Nguyên; kỹ thuật Phaco tại Bệnh viện Mắt; ứng dụng y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh…
Bác sĩ Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, nói: Chúng tôi đưa các kỹ thuật mới, hiện đại vào phục vụ điều trị nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện được hơn 500 kỹ thuật vượt tuyến và nhiều kỹ thuật hiện đại, như: Thụ tinh trong ống nghiệm, chọc ối để xét nghiệm sớm các dị tật bẩm sinh; tán sỏi đường tiết niệu ngược dòng bằng lazer; phẫu thuật nối mật - ruột các trường hợp u đầu tụy; phẫu thuật tạo thông động - tĩnh mạch tạo cầu nối để chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu liên tục cấp cứu...
Ngoài ra, các cơ sở KCB trong tỉnh còn tăng cường kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị bệnh, chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phục hồi chức năng người bệnh tại bệnh viện và cộng đồng.
Ông Hà Văn Hưng, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Người cao tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp. Do đó, việc các bệnh viện chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và triển khai điều trị bệnh nhân không dùng thuốc (phục hồi chứng năng) rất phù hợp với xu hướng thời đại. Đơn cử như Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, chỉ sau một thời gian đưa Khu điều trị chuyên khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng vào hoạt động đã thu hút được rất nhiều người dân đến trị liệu, chữa bệnh…
Thời đại 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bệnh án điện tử trong quản lý KCB và cải tiến chất lượng bệnh viện cũng được các bệnh viện lựa chọn. Theo đó, 100% cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã kết nối thanh toán với Cổng giám định điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh...
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các cơ sở KCB cũng luôn thực hiện tốt việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo các hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND tỉnh, đảm bảo không để thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác KCB tại đơn vị.
Luôn chú trọng nâng cao chất lượng KCB, đến nay, toàn tỉnh đã đạt 51,5 giường bệnh/10.000 dân (trong đó tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 9,8% tổng số giường bệnh), cao hơn bình quân chung cả nước (31 giường/10.000 dân). Chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công hàng năm đều đạt trên 90% (năm 2020: đạt 91,09%; năm 2022: đạt 91,47%; năm 2022: đạt 92,5%).
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế theo định hướng chuyên khoa, chuyên sâu; từng bước đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại theo phân tuyến kỹ thuật; sử dụng có hiệu quả và khai thác tốt công suất các thiết bị y tế được trang bị.
Đặc biệt là mở rộng dịch vụ, kỹ thuật y tế; phát triển các dịch vụ khám, chữa bệnh kỹ thuật cao, chuyên sâu, tạo điều kiện để người bệnh tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng ở nơi gần nhất…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin