Hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm thế giới (7-13/3/2021) và Ngày Thị giác thế giới (14/10/2021), Chương trình “Ánh sáng hi vọng” sẽ diễn ra xuyên suốt 1 năm với mục tiêu nhắc nhở người dân về tầm quan trọng của sức khỏe thị giác, đồng thời cung cấp hướng dẫn về dịch vụ chăm sóc và lộ trình điều trị.
Chương trình “Ánh sáng hi vọng” hướng đến tăng khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ chăm sóc mắt thông qua loạt sáng kiến cụ thể như khám sàng lọc cộng đồng, giáo dục sức khỏe mắt toàn diện tại 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Tiền Giang.
Chương trình Ánh sáng hi vọng diễn ra vào tháng 3/2021 tại Quảng Nam
Chương trình đặt mục tiêu giúp 1,3 triệu người tiếp cận với kiến thức về chăm sóc sức khỏe thị giác, tổ chức khám sàng lọc cho 36.000 bệnh nhân. 700 bệnh nhân được chẩn đoán có bệnh lý về mắt sẽ được chuyển tuyến để tiếp tục điều trị. Chương trình tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng là người lao động và trẻ em nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật và những người dễ bị tổn thương trong xã hội.
Đây là chương trình do Novartis Việt Nam phối hợp với Tổ chức phát triển quốc tế Fred Hollows Foundation triển khai và phát động từ tháng 3/2021. Tiến sĩ Shazli Ahmed Khan - Giám đốc ngành hàng nhãn khoa, hô hấp, tâm thần kinh và giảm đau, Novartis Việt Nam - cho biết: Thông qua hợp tác với Quỹ Fred Hollows và Tổ chức quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB), chúng tôi sẽ đưa các dịch vụ chăm sóc mắt đến vùng sâu, xa tại Việt Nam để mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế cần thiết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có 2,5 tỷ người trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm thị lực. Ở các nước Đông Nam Á, bệnh võng mạc là nguyên nhân gây mù phổ biến thứ hai sau đục thủy tinh thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, từ độ tuổi 40 trở lên, tỷ lệ mắc các bệnh rối loạn võng mạc dao động từ 5,35% đến 21,02%. Nguyên nhân chính của các bệnh này là hiện tượng thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), bệnh võng mạc tiểu đường (DR), phù hoàng điểm do tiểu đường (DME) và tắc tĩnh mạch võng mạc (RVO). Tuổi thọ tăng, lối sống thay đổi, và các bệnh toàn thân như đái tháo đường, tăng huyết áp cũng là những yếu tố góp phần gây ra các bệnh lý nguy hiểm về mắt.
Bệnh Glôcôm (tăng nhãn áp) cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực. Theo WHO, có 78 triệu người mắc bệnh Glôcôm, trong đó 90% các trường hợp không được phát hiện ở các nước đang phát triển. Theo ước tính, đã có hơn 11 triệu người bị mù cả hai mắt do bệnh Glôcôm vào năm 2020 và con số có thể sẽ tăng lên đến 111,8 triệu người vào năm 2040.
Tuy nhiên, hệ thống y tế tại Việt Nam chỉ đang tập trung vào các bệnh rối loạn thị giác như đục thủy tinh thể, mắt hột và các tật khúc xạ do tỷ lệ mắc bệnh lớn. Trong khi đó, rối loạn võng mạc và Glôcôm chưa nhận được sự quan tâm phù hợp. May mắn thay, nguy cơ mù lòa do bệnh võng mạc và Glôcôm có thể được ngăn ngừa nhờ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Càng phát hiện và chữa trị sớm, bệnh nhân càng có nhiều cơ hội bảo vệ sức khỏe mắt và ngăn chặn nguy cơ mù lòa.
Ông Huỳnh Phúc Tân - Giám đốc điều hành dự án tại châu Á, Quỹ Fred Hollows - cho biết: 9/10 trường hợp mù lòa có thể được ngăn chặn nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Nhưng để đạt được điều này, chúng ta cần bắt đầu từ việc giáo dục. Nếu người dân được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe mắt và kiểm tra mắt thường xuyên, nguy cơ mù lòa cũng sẽ được giảm thiểu đáng kể. Trong khuôn khổ của dự án, chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp cận nhiều người hơn nữa để khuyến khích mọi người chăm sóc sức khỏe mắt tốt hơn.