Đồ gia dụng bằng nhôm vừa nhẹ, vừa sạch sẽ, tiện dụng. Nhưng, các nhà khoa học lưu ý, nếu dùng các đồ nhôm được chế tạo từ phế liệu, gia công không bảo đảm công nghệ, xử lý không hết tạp chất, không tạo được bề mặt trơ với tác động của môi trường... thì khi dùng đun nấu, chứa đựng thực phẩm có thể các ion nhôm sẽ thôi nhiễm vào thực phẩm và người ăn phải sẽ bị ảnh hưởng.
Đặc biệt khi nấu mặn, dễ tạo ra muối nhôm gây độc cho cơ thể. Nấu các món chua trong nồi bằng nhôm dễ gây độc cho cơ thể vì các chất chua đều có một lượng axit nhất định. Lượng axit này sau khi được "ngâm" trong nồi sẽ làm thôi ra một lượng nhôm hoặc làm ô xy hóa lớp bề mặt vật đựng bằng nhôm. Dùng đồ nhôm để chứa đựng thức ăn chua (muối dưa, canh chua) cũng khiến bề mặt nhôm dễ bị rỗ, giải phóng các ion nhôm vào cơ thể, tích lũy ở tế bào não. Bình thường, tế bào thần kinh không có ion nhôm. Nhưng nếu trong thức ăn có nhiễm ion nhôm, thì ion nhôm vốn có ái tính với các tế bào thần kinh, sẽ tích tụ tại đó và làm cho tế bào thần kinh não bị biến tính, dẫn tới chứng "lú lẫn" (ngớ ngẩn). Biểu hiện là trí nhớ giảm sút, phản ứng trì trệ, trí năng giảm, cử động chậm chạp, cười khóc bất thường.
Để phòng thôi nhiễm ở nồi nấu, vật dụng đựng thực phẩm bằng nhôm, các chuyên gia khuyến cáo, không dùng đồ nhôm để đựng thức ăn qua đêm; không dùng đồ nhôm để muối dưa, đánh trứng gà, làm nộm chua, nấu canh chua hay đồ muối mặn, nóng…; không dùng đồ nhôm gia công không bảo đảm công nghệ. Tóm lại, dù tiện ích vẫn nên hạn chế dùng đồ nhôm để chế biến, chứa đựng thực phẩm.