Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đang quản lý, điều trị ngoại trú cho trên 1.100 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Điều đáng nói, trên 90% người mắc bệnh này đều từ 40 tuổi trở lên và có hơn 20 năm hút thuốc lá.
Năm 2019, sau khi kết thúc điều trị, ông Nguyễn Văn Luân, 60 tuổi, ở xã Kha Sơn (Phú Bình) đã được Bệnh viện tuyến huyện chuyển hồ sơ bệnh án lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên để được quản lý, theo dõi và điều trị ngoại trú bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các bác sĩ xác định, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do ông đã có gần 40 năm hút thuốc lá.
Tương tự, ông Tạ Văn Nhỡ, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên), 66 tuổi, cũng có hơn 40 năm hút thuốc lá đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Từ năm 2018, ông được chuyển từ T.X Phổ Yên về điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.
Ông Nhỡ cho biết: Bệnh này phát triển rất chậm, lúc đầu chỉ thấy hiện tượng ho vào buổi sáng nên tôi rất chủ quan. Sau này, tôi ho nhiều hơn, suốt cả ngày lẫn đêm. Đến khi có hiện tượng ho ra đờm, thỉnh thoảng khó thở, khi nặng hơn, tôi thở khò khè, người mệt, thiếu sức... thì được gia đình đưa đi viện cấp cứu. Các bác sĩ thông báo do hút thuốc lâu năm nên bệnh của tôi đã khá nặng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tân, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi: Các bệnh nhân đang được theo dõi, quản lý, điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh. Khi các đợt điều trị cấp tính kết thúc, tình trạng bệnh ổn định, bệnh nhân mới được làm hồ sơ chuyển về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để được theo dõi, quản lý và điều trị ngoại trú.
Khi điều trị ngoại trú tại đây, mỗi tháng, bệnh nhân đến Bệnh viện thăm khám và lấy thuốc điều trị một lần. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Bệnh viện phát thuốc cho bệnh nhân uống trong 2 hoặc 3 tháng để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc, tụ tập đông người.
Bác sĩ Tân cho rằng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD, COAD hay COLD) là một dạng bệnh lý tắc nghẽn thông khí phổi được định tính là sự suy giảm thông khí mạn tính. Bệnh thường diễn tiến xấu dần theo thời gian. Các triệu chứng chính bao gồm khó thở, ho và sinh đờm.
Ngoài một số yếu tố như ô nhiễm không khí hay di truyền (rất ít) thì hút thuốc lá là nguyên nhân thường gặp nhất ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra một số biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, thậm chí là tính mạng của bệnh nhân.
Bởi vậy, bác sĩ Tân cho rằng để phòng ngừa bệnh, nam giới không nên hút thuốc lá, thuốc lào. Trẻ em, phụ nữ nên tránh bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ khói thuốc. Ngoài ra, mỗi người nên tạo cho mình thói quen tập thể dục đều đặn hằng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy.
Riêng với người đã mắc bệnh, nhất là những người cao tuổi, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại; uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ; duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ...; có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu…