Đưa y học cổ truyền vào cuộc sống hiện đại

10:08, 13/12/2021

Là một thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật tỉnh, thời gian qua Hội Đông y tỉnh đã phát huy giá trị y học cổ truyền dân tộc trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hiện Hội có trên 2.500 thành viên, hoạt động tại 162/178 xã, phường, thị trấn.

Đối với công tác khám, chữa bệnh, các hội viên Hội Đông y đều tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế; thực hiện theo phương châm đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết, không vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến y đức. Vì vậy, số lượng người dân đến khám và điều trị tại các cơ sở thuộc hội đông y các địa phương ngày càng nhiều.

Đơn cử như tại nhà thuốc Đông y gia truyền Trung Kiên, tổ 5, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) của hội viên đông y Lê Thị Nhung. Đây là địa chỉ tin cậy của đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh đến chữa các bệnh về thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, đau dạ dày …

Bà Lê Thị Nhung cho biết: Là thành viên của Hội Đông y tỉnh, tôi luôn lấy 9 điều “Y huấn cách ngôn” của Hải Thượng Lãn Ông làm kim chỉ nam trong khám, chữa bệnh, từ đó tạo được niềm tin và uy tín trong nhân dân. Đối với những bệnh nhân nghèo, tôi miễn phí toàn bộ tiền khám và thuốc chữa bệnh…

Năm qua, các hội viên đông y trên địa bàn tỉnh đã khám, chữa bệnh cho hơn 180 nghìn lượt người, với tỷ lệ khỏi bệnh và đỡ đạt hơn 80%, trong đó có nhiều bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo.

Trong số đó, lượt người được khám miễn phí là trên 43 nghìn (chi phí ước tính khoảng 1 tỷ đồng). Khoảng 40% bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như: Xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống, diện chẩn...

Bên cạnh việc khám chữa bệnh, để đảm bảo nguồn cung cấp dược liệu rõ nguồn gốc và có chất lượng, các thành viên của Hội Đông y cũng đã vận động hội viên và cộng đồng phát triển nuôi trồng, chế biến, sử dụng các loại dược liệu, phát triển nghề trồng dược liệu. Một số hội đông y đã thực hiện tốt công tác bảo tồn gen và nuôi trồng dược liệu như: Hội Đông y huyện Đồng Hỷ với 15ha cây dược liệu; Hội Đông y huyện Phú Lương trồng được 10ha cây dược liệu…

Điển hình phát triển trồng cây dược liệu phải kể đến hội viên Hội Đông y xã Cây Thị (Đồng Hỷ), đã hiến đất để trồng vườn thuốc mẫu với nhiều cây thuốc quý như Bạch cập, Khôi nhung, Gừng đen, Ba kích…; Chi hội Đông y Công ty TNHH Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam xã La Hiên (Võ Nhai) đã nhân giống được 77 cây thuốc quý và có 50 loại thuốc; hay như gia đình hội viên Nông Thị Hiên ở xóm Ngò, xã Tân Đức (Phú Bình), chuyển đổi hàng nghìn mét vuông đất để trồng cây xạ đen, nhân trần, cà gai...

Có thể nói, Hội Đông y Thái Nguyên đã phát huy thế mạnh trong việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Thái Văn Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Để tiếp tục áp dụng y học cổ truyền dân tộc vào cuộc sống, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức; đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền cho cán bộ hội viên; tiếp tục duy trì có hiệu quả các vườn thuốc nam, nhân rộng các vùng chuyên trồng và chế biến dược liệu; tăng cường tuyên truyền về vai trò quan trọng của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kế thừa những bài thuốc hay...