Hiện nay, chưa có con số thống kê về số người hút thuốc lá ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, trong số trên 1,2 triệu dân Thái Nguyên thì số người hút thuốc lá không hề nhỏ, tập trung chủ yếu ở nam giới, trong đó có công nhân, tri thức, già, trẻ… Hầu hết những người này đều hiểu được tác hại do hút thuốc lá mang lại nhưng để từ bỏ được thuốc thì lại không hề dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Thái, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cho biết: Năm nay tôi 66 tuổi và có hơn 40 năm hút thuốc lá. Vẫn biết hút thuốc lá không chỉ có hại cho chính mình, mà còn gây hại đến những người xung quanh khi hít phải khói thuốc nhưng tôi chưa thể cai được thuốc lá. Tôi đã nhiều lần cai thuốc lá, lần cai được lâu nhất là nửa năm nhưng sau đó lại hút lại. Mỗi khi đi ăn uống cùng bạn bè, mọi người mời thuốc, tôi không “kìm” được.
Không chỉ riêng ông Thái mà rất nhiều người cai nghiện thuốc lá bất thành. Những người hút thuốc lá lâu năm đều cảm nhận rõ sức khỏe của mình “đi xuống” vì khói thuốc. Ông Nguyễn Văn Luân, 61 tuổi, ở xã Kha Sơn (Phú Bình), cho biết: Do hút thuốc lá lâu (hơn 30 năm) nên tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đang phải theo dõi, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên. Bệnh này nguy hiểm, khi phát bệnh không được cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong. Vì thế, từ ngày bệnh nặng hơn, tôi đã không hút thuốc nữa.
Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Phần lớn tác hại của khói thuốc lá là do Carbon oxyt, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút thuốc lá mà còn gây nhiễm độc không khí đối với những người không hút thuốc nhưng lại phải sống trong môi trường có nhiều khói thuốc lá.
Khói thuốc lá chiếm 4% khối lượng điếu thuốc, trong đó chứa những chất nguồn gốc thực vật chưa cháy hết, các Hydrocacbua thơm như Benzopyrene là chất gây ung thư mạnh nhất (mỗi điếu thuốc lá có 40 - 50mg chất này), thuốc lá ẩm hay tắt càng có nhiều Benzopyrene.
Người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc các bệnh ung thư phổi, thanh quản, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch… cao hơn nhiều so với người không hút thuốc lá. Khói thuốc tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói do người hút thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng người hút hít vào phổi.
Những người không hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá vẫn có thể mắc các chứng bệnh của người hút thuốc lá, như: Viêm phế quản mãn, giãn phế nang, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, rối loạn khi thai nghén và sinh đẻ, các chứng bệnh của trẻ sơ sinh và một số bệnh khác. Những phụ nữ có chồng hút thuốc lá thì tỷ lệ mắc bệnh phổi cao hơn so với phụ nữ có chồng không hút thuốc.
Bác sĩ CKII Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho rằng: Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, việc từ bỏ thuốc lá là rất cần thiết. Những người mới hút từ bỏ thuốc lá dễ dàng hơn những người đã hút thuốc lá lâu năm. Do vậy, mọi người nên ý thức tránh xa thuốc lá, hoặc mới sử dụng thuốc lá thì nên từ bỏ ngay.
Trên thực tế, việc cai thuốc lá đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của mỗi người. Trước khi bỏ được thuốc lá, người hút thuốc lá không nên hút thuốc ở những khu vực tập trung đông người, trong phòng kín, có nhiều trẻ nhỏ… Đặc biệt, nhằm có một sức khỏe tốt, những người đang hút thuốc lá, đã bỏ thuốc lá, sắp bỏ thuốc lá cần có quyết tâm hơn nữa, kiên quyết “nói không với thuốc lá” ở mọi lúc mọi nơi.
Bác sĩ Trương Mạnh Hà khuyến cáo: Đối với những người nghiện thuốc lá lâu năm, việc cai thuốc lá phải được thực hiện một cách kiên trì. Ban đầu là cắt giảm dần lượng thuốc lá trong ngày. Khi lượng thuốc sử dụng ít đi thì việc từ bỏ sẽ dễ dàng hơn. Bởi cai thuốc lá đột ngột rất dễ tái nghiện và tái nghiện nhiều lần sẽ khó bỏ. Vì một môi trường không thuốc lá, tôi cho rằng, mỗi thành viên chúng ta hãy là một tuyên truyền viên tốt trong công tác phòng, chống hút thuốc lá để bảo vệ chính chúng ta, những người thân trong gia đình và cộng đồng.