GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau.
Tại buổi họp báo khởi động Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới (29/5), GS.TS Lê Danh Tuyên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ tiêu hóa đối với hệ miễn dịch của cơ thể con người.
Có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sức khỏe của hệ miễn dịch. Bên cạnh những yếu tố khách quan khó có thể thay đổi như tuổi, giới, bộ gene, môi trường sống, thì cũng có những yếu tố chủ quan như dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, mức độ vận động… Trong đó, vai trò của dinh dưỡng là đặc biệt nổi bật.
Theo kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (14,1% năm 2015). Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chung toàn quốc vẫn ở mức 24,6% năm 2015, xếp vào hàng các quốc gia có tỉ lệ thấp còi cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2009-2010, 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng và các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất là khẩu phần ăn của trẻ em dưới 5 tuổi còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng.
Đặc biệt, các nghiên cứu trên thế giới cũng như nhiều nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em có mối liên quan tới việc thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp, dẫn tới số ngày nghỉ học tăng, ảnh hưởng tới tăng trưởng và học tập của trẻ.
Trên thực tế, các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa và tình trạng suy dinh dưỡng có mối liên hệ qua lại. Ở trẻ nhỏ hơn, các bệnh nhiễm trùng (gồm nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh vật) đều có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và ngược lại, suy dinh dưỡng khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Vòng xoắn bệnh lý này cứ thế tiếp diễn nếu không có can thiệp hoặc xử trí phù hợp.
Tỉ lệ suy dinh dưỡng có thể dao động theo mùa và thường cao trong những mùa có các bệnh nhiễm khuẩn lưu hành ở mức cao (tiêu chảy, viêm hô hấp, sốt rét, sởi và các bệnh ký sinh trùng đường ruột).
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể. Bên cạnh đó, các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, nhiều rau củ quả cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới diễn ra trong tháng 5/2022, được Báo Sức khỏe Đời sống phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức nhằm hỗ trợ người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hóa đối với sức khỏe, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh tự nhiên.