5 năm trở lại đây, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh xuất hiện trên dưới 300 ca mắc bệnh chân tay miệng, tập trung chủ yếu vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Là bệnh nhiễm trùng có khả năng gây thành dịch lớn, bệnh xuất hiện rải rác quanh năm nhưng có số ca tăng cao vào mùa Hè. Bệnh có nguy cơ đe dọa tính mạng trẻ em nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bởi vậy, việc chủ đồng phòng, chống bệnh chân tay miệng là rất cần thiết.
Bệnh chân tay miệng bùng phát tại Thái Nguyên từ năm 2011 với 236 ca mắc được giám sát, sau đó nhanh chóng lây lan ra cộng đồng. Vì thế, năm 2012 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 647 ca lâm sàng. Thời điểm đó, dịch bệnh xuất hiện tại 147/181 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thành, thị, trong đó có nhiều ổ dịch với hàng chục ca mắc bệnh tại các trường mầm non, nhà trẻ. Tuy nhiên may mắn là trong tất cả các ca mắc bệnh tay chân miệng được giám sát, không có trường hợp nào tử vong.
Từ năm 2013 đến nay, bệnh chân tay miệng trên địa bàn tỉnh đã được giám sát và phát hiện kịp thời nên không bùng phát thành dịch lớn. Dù vậy, số ca mắc bệnh vẫn xuất hiện rải rác.
Chị Trần Thị Hoa, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), nói: Con tôi vừa mắc bệnh chân tay miệng cách đây 20 ngày. Khi mắc bệnh, cháu bị sốt, loét miệng, nổi hồng ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân … Cháu được các bác sĩ chỉ định giảm cơn sốt bằng cách dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, lau người bằng nước ấm hoặc nước muối loãng; sử dụng thuốc sát khuẩn nhằm điều trị các vết thương, mụn ngoài da tránh lây lan, nhiễm trùng…
Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống dịch bệnh chân tay miệng cần được thực hiện thường xuyên, nhất là vào những tháng cao điểm như hiện nay. Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Thời gian tới, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Đồng thời tăng cường các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động nhằm sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
Ngoài ra, ngành Y tế sẽ chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng; chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng…
Cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế thì để phòng, chống dịch bệnh chân tay miệng, các trường học, nhất là các nhà trẻ, trường mẫu giáo cần chú trọng thực hiện các biện pháp như: Trang bị đủ phương tiện rửa tay, xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, môi trường; vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Bệnh cạnh đó cần chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý kịp thời.
Đối với các bậc phụ huynh, để phòng, chống bệnh chân tay miệng cho con em mình thì cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tăng cường chất dinh dưỡng cho trẻ… Khi trẻ có các dấu hiệu phát bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.