Nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại

Việt Hùng 09:05, 06/07/2023

Phú Bình là địa phương có đàn chó nuôi lên tới 30.000 con, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tích cực phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện nhiều giải pháp nhằm quản lý đàn vật nuôi, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Phú Bình tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho người dân.
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Phú Bình tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho người dân.

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Với đặc thù là vùng nông thôn, số trang trại, gia trại nhiều nên đa phần các hộ dân đều nuôi chó với mục đích trông giữ nhà và trang trại. Tuy nhiên, việc nuôi nhốt, quản lý đàn chó chưa được các hộ thực hiện nghiêm túc (khi ra đường, vật nuôi chưa được mang rọ mõm; có gia đình chưa xích, nhốt đàn chó thường xuyên, vẫn còn tình trạng chó chạy rông bên ngoài…). Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân dễ bị chó cắn, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh dại.

Theo đó, để phòng chống bệnh dại một cách hiệu quả, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình đều phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các hội nghị ở xã, xóm để người dân nắm được, từ đó có biện pháp phòng tránh. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả công tác tiêm phòng trên đàn chó nuôi theo số lượng vắc-xin được cấp, đảm bảo đúng quy định; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót.

Bên cạnh tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong việc quản lý đàn chó, mèo và tiêm vắc - xin phòng dại đầy đủ, Trung tâm Y tế huyện Phú Bình còn đặc biệt quan tâm tuyên truyền để mọi người dân không chủ quan khi bị chó, mèo cắn.

Ông Dương Văn Phong, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Phú Bình, cho hay: Hàng năm, chúng tôi đều phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người (trong đó có bệnh dại) đến người dân. Trong công tác tiêm phòng, đơn vị cũng hướng dẫn người dân quy trình xử lý vết thương khi không may bị chó, mèo cắn (rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục trong khoảng 15 phút; vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%; không băng kín vết thương; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời; tuyệt đối không được tự chữa… ).

Cũng theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Phú Bình, nếu như những năm trước, khi bị chó, mèo cắn, một số người dân còn tư tưởng theo dõi con chó trong một thời gian nhất định. Nếu con chó có biểu hiện bất thường như ốm, bỏ ăn… thì mới đến cơ sở y tế để tiêm vắc - xin phòng dại. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, suy nghĩ trên gần như đã không còn. Bà con khi bị chó, mèo cắn đã đến ngay cơ sở y tế để được cán bộ y tế tư vấn về cách vệ sinh vết thương và tiêm vắc-xin phòng dại.

Nhờ đó, 10 năm nay, trên địa bàn huyện không có trường hợp nào bị mắc bệnh dại dẫn đến tử vong… Bà Dương Thị Mến, người dân ở xóm Náng, xã Nhã Lộng, chia sẻ: Giữa tháng 6, tôi không may bị một con chó ở nhà hàng xóm cắn. Ngay sau đó, tôi đã đến cơ ở y tế để tiêm vắc-xin phòng dại.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ động vật sang người, chủ yếu là qua vết cắn do động vật mang virus dại. Nếu không điều trị, dự phòng kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ cho đàn chó…