Khi quà vặt không còn là chuyện vặt

Quỳnh Trang 13:42, 14/01/2024

Ăn quà vặt vốn là sở thích của nhiều học sinh ở các lứa tuổi khác nhau. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, những món quà vặt không chỉ là gói bỏng ngô, bánh quế... như trước kia, mà ngày càng đa dạng, bắt mắt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cảnh báo, có nhiều sản phẩm quà vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh.

Hình ảnh học sinh quây hàng quà vặt trước cổng trường đã trở nên quen thuộc.
Hình ảnh học sinh "quây" hàng quà vặt trước cổng trường đã trở nên quen thuộc.

Nỗi lo từ đồ ăn vặt cổng trường

Ngày 28/11/2023, tại Trường THCS Nguyễn Du (TP. Sông Công) xảy ra vụ việc một số học sinh có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn sau khi ăn một loại kẹo mua ở khu vực cổng Trường Tiểu học Mỏ Chè. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 220 gói kẹo in chữ nước ngoài (là loại kẹo các học sinh cho biết sau khi ăn xong xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn) tại cửa hàng trên. 

Sau đó không lâu, thực hiện đợt kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là ở khu vực gần trường học, đầu tháng 12-2023, Công an TP. Thái Nguyên đã phát hiện và tiêu hủy hơn 1 tấn bánh kẹo, đồ ăn vặt tại 2 cửa hàng trên địa bàn.

Ở cả hai vụ việc, tất cả các loại bánh kẹo, đồ ăn đều có bao bì in chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ; chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn, chứng từ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm...

Những vụ việc này được ví như “hồi chuông” cảnh tỉnh các em học sinh. Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 7B5, Trường THCS Nguyễn Du (TP. Sông Công), nói: Sau khi xảy ra việc các bạn bị ngộ độc do ăn kẹo mua ở cổng trường, bố mẹ em rất lo lắng và bảo em không được ăn quà vặt.

Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế: Những đồ ăn vặt đựng trong bao bì in chữ nước ngoài không có phụ đề tiếng Việt được coi là hàng hóa trôi nổi, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các loại đồ ăn nhanh được bày bán ở vỉa hè hay cổng trường cũng được xếp vào nhóm thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế: Những đồ ăn vặt đựng trong bao bì in chữ nước ngoài không có phụ đề tiếng Việt được coi là hàng hóa trôi nổi, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các loại đồ ăn nhanh được bày bán ở vỉa hè hay cổng trường cũng được xếp vào nhóm thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tìm hiểu thực tế tại các trường học trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, khu vực cổng trường đều có tình trạng hàng quán “bủa vây”, nhất là vào giờ tan học. Các sản phẩm bày bán có đủ chủng loại, từ bánh, kẹo, ô mai, nước ngọt đóng gói sẵn, đến đồ ăn chế biến tại chỗ như thịt xiên nướng, cá viên chiên, nem chua rán...

Những món ăn vặt này có giá cả hấp dẫn, chỉ từ 1.000 đến 5.000 đồng, học sinh có thể lựa chọn một trong số các món thịt bò chua cay, ngô cay, kẹo vitamin C, chân gà cay, kẹo 7 màu, trứng khủng long, thạch đủ sắc màu...

Đáng nói, trong số những mặt hàng này, nhiều đồ ăn được đóng gói trong các bao bì sặc sỡ, chỉ in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Còn đồ ăn chế biến nhanh thì không có tủ kính che chắn, người bán không trang bị đủ khẩu trang, găng tay.

Theo tiết lộ của một số chủ cửa hàng chuyên bán đồ ăn vặt trẻ em, để có được nguồn hàng phong phú, họ thường vào các trang Facebook, Zalo chuyên bán sỉ đồ ăn vặt để cập nhật mặt hàng đang “hút” khách và nhập về để bán. Một chủ cửa hàng bộc bạch: Tại các kho sỉ, hầu như sản phẩm nào cũng có. Người mua chỉ việc chọn sản phẩm và đặt mua là sẽ được vận chuyển tới tận nhà. Càng mua nhiều thì giá càng rẻ.

Một loại kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng thu giữ.
Một loại kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng thu giữ.

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Đồ ăn vặt được nhiều học sinh ưa thích và sử dụng. Tuy rằng nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã được chỉ ra, nhưng tình trạng đồ ăn bày bán tràn lan ở cổng trường vẫn chưa được cải thiện. Để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường giải pháp nhằm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm khu vực cổng trường học.

Theo đó, các ngành Y tế, Giáo dục, Quản lý thị trường, Công an... đã cử cán bộ tham gia đoàn liên ngành để kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học và khu vực cổng trường.

Việc kiểm tra tập trung vào một số nội dung như: xác minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; kiểm tra điều kiện lưu trữ, vận chuyển thực phẩm; phát hiện sai phạm, thu giữ và xử lý nghiêm vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Cùng với các đoàn liên ngành, từng cơ quan, đơn vị cũng đề ra giải pháp phù hợp nhằm quản lý việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và tuyên truyền, giáo dục học sinh tuyệt đối không ăn quà vặt ở cổng trường.

Bà Hoàng Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (TP. Sông Công): Các thầy, cô giáo không thể theo sát học sinh trên quãng đường từ nhà đến trường và ngược lại, nên Nhà trường mong nhận được sự phối hợp tối đa từ phụ huynh trong việc nhắc nhở con, cháu mình không sử dụng các loại đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ; chuẩn bị sẵn đồ ăn phụ cho con nếu cần thiết...
Cô giáo Hoàng Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (TP. Sông Công): Các thầy, cô giáo không thể theo sát học sinh trên quãng đường từ nhà đến trường và ngược lại, nên Nhà trường mong nhận được sự phối hợp tối đa từ phụ huynh trong việc nhắc nhở con, cháu mình không sử dụng các loại đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ; chuẩn bị sẵn đồ ăn phụ cho con nếu cần thiết...

Đơn cử như ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong nhà trường, như: đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh; hướng dẫn trẻ em, học sinh nhận biết, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn; phối hợp với ngành chức năng để quản lý, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các hàng quán khu vực cổng trường...

Học sinh Trường Tiểu học Đội Cấn 1 (TP. Thái Nguyên) xem video cảnh báo về các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Học sinh Trường Tiểu học Đội Cấn 1 (TP. Thái Nguyên) xem video cảnh báo về các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như: tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong tiết chào cờ, giờ học ngoại khóa, qua các môn học bằng nhiều hình thức khác nhau để giúp học sinh thay đổi nhận thức, hành vi; phối hợp với lực lượng chức năng địa phương để dẹp bỏ những hàng quán bán rong ở gần khu vực cổng trường học; quản lý, nhắc nhở học sinh tuyệt không ra ngoài khu vực cổng trường trong các giờ ra chơi... 

Một số trường "mạnh tay" hơn khi đóng cổng trong giờ giải lao và xây dựng căng tin trường học. Đồng thời thực hiện quy định đưa nội dung học sinh ăn quà vặt trước cổng trường vào tiêu chí thi đua của các lớp. Trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường tuyên truyền tới phụ huynh về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đề nghị phụ huynh phối hợp, quản lý tiền tiêu vặt của con em...

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Cấn 1 (TP. Thái Nguyên): Trong thời gian học sinh học ở trường, Nhà trường luôn đóng kín cổng để các em không ra ngoài mua đồ ăn. Bên cạnh đó, Nhà trường kiên quyết không cho phép bất kỳ trường hợp nào bày bán quà vặt ở khu vực trường học.

Các loại đồ ăn vặt có chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không an toàn đang là mối nguy hại tới sức khỏe của học sinh. Không chỉ ở Thái Nguyên mà tại nhiều địa phương khác đã có trường hợp đáng tiếc xảy ra với các em học sinh khi ăn phải đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, ở tổ 16, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên): Mặc dù công việc khá bận rộn nhưng tôi luôn tranh thủ cho con ăn sáng tại nhà trước khi đi học và đưa, đón con đúng giờ để tránh việc con ăn quà vặt ở cổng trường. Tôi cũng thường xuyên cùng con tìm hiểu về những đồ ăn không đảm bảo an toàn, hướng dẫn cháu nhận biết được các loại đồ ăn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh, ở tổ 16, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên): Mặc dù công việc khá bận rộn nhưng tôi luôn tranh thủ cho con ăn sáng tại nhà trước khi đi học và đưa, đón con đúng giờ để tránh việc con ăn quà vặt ở cổng trường. Tôi cũng thường xuyên cùng con tìm hiểu về những đồ ăn không đảm bảo an toàn, hướng dẫn cháu nhận biết được các loại đồ ăn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường cùng với các cơ quan chức năng cần làm việc với những hàng quán ở khu vực cổng trường, yêu cầu cam kết cụ thể; nắm bắt thông tin người bán và có kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng cần phối hợp với nhà trường để động viên, giáo dục học sinh biết cách chọn thức ăn hợp vệ sinh. 

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và nhà trường, phụ huynh cũng cần quan tâm quản lý con em mình trong việc sử dụng tiền, hướng dẫn con cách lựa chọn thực phẩm an toàn. Từ đó loại bỏ những hiểm họa tồn tại dai dẳng từ đồ ăn vặt cổng trường, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.



Bộ sưu tập Whisky giá tốtHỗ trợ thiết kế hộp quà tặng doanh nghiệp in logo