Cai nghiện tại cộng đồng: Hiệu quả chưa cao

17:09, 15/08/2012

Anh Vũ Thế Luật, cán sự phòng, chống tệ nạn xã hội phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mỗi năm, phường được giao cai nghiện từ 5-7 đối tượng nghiện ma túy và để hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi phải đến tận nhà để vận động các đối tượng đi cai và động viên gia đình hợp tác. Bởi khi cai tại trạm, các đối tượng chỉ được hỗ trợ tiền thuốc (300.000 đồng/đợt), còn ăn uống hàng ngày phải do gia đình đóng góp. Việc vận động đối tượng đến cai đã khó, việc quản lý người nghiện trong thời gian cai tại Trạm lại càng thêm vất vả vì bị người nghiện cho “ăn” đủ thứ, thậm chí còn chửi cả bố mẹ, vợ con.

Một khó khăn nữa là theo quy định, sau khi cai nghiện cắt cơn (1-2 tuần), phải mở cửa để người nghiện được đọc báo, nghe đài, lao động trị liệu… nhưng tại Trạm không thể làm được vì không có khuôn viên, không đủ lực lượng giám sát. Vất vả là vậy, nhưng thù lao cho cả kíp trực chỉ có 1.500.000 đồng/tháng (gồm bảo vệ, công an, y tế, quân sự, đội xung kích, đại diện các đoàn thể). Chia trung bình thì mỗi người được 10.000 đồng/ngày, đêm. Nếu không vì trách nhiệm, vì công việc thì chắc không ai muốn làm. Được biết, trên địa bàn phường Trung Thành còn 79 người nghiện ma tuý (giảm 2 đối tượng so với năm 2011 do chuyển đi nơi khác), trong đó thường xuyên có mặt tại địa phương là 35 người và đã từng cai nghiện tại Trạm, Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục, Lao động xã hội T.P Thái Nguyên, tỉnh nhưng vẫn tái nghiện.

 

Đối với Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục, Lao động xã hội T.P Thái Nguyên, công tác cai nghiện ma tuý lại không quá khó về quản lý người nghiện, nhưng lại khó về kinh phí để tổ chức cai nghiện. Ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Trung tâm cho biết: 1 năm đầu, người nghiện được Nhà nước hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng nhưng mọi thứ đắt đỏ như hiện nay, số tiền đó không đủ để tổ chức bữa ăn, nên người nhà phải đóng thêm khoảng 200.000 đồng nữa. Năm thứ 2, gia đình phải đóng góp hoàn toàn nhưng cũng có nhiều gia đình đã buông xuôi vì người nghiện cai đi cai lại nhiều lần vẫn tái nghiện. Do vậy, Trung tâm phải tìm kiếm việc làm để học viên vừa lao động trị liệu, vừa có thêm thu nhập cải thiện bữa ăn hàng ngày. Theo ông Hưng, hầu hết những người hiện đang có mặt tại Trung tâm đã vào đây hơn một lần, bởi người nghiện chưa vượt qua được bản thân nên khi hết hạn ở Trung tâm trở về cộng đồng lại tái nghiện, rồi sau đó lại đi cai...

 

Một thực tế, năm 2012 số người nghiện trên địa bàn T.P Thái Nguyên tăng so với năm trước không phải bởi số người nghiện mới mà đều là những người đã nghiện ma tuý vài năm nhưng bây giờ gia đình mới thông báo, bởi họ mong muốn được sử dụng thuốc methadone (thuốc cai nghiện thay thế) để cai nghiện. Tuy nhiên, lượng thuôc methadone có hạn nên trên địa bàn Thành phố mới có trên 100 người đang dùng thử. Tính đến hết tháng 3-2012, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có 2.529 người nghiện ma tuý, tăng 137 người (chỉ có 2 người nghiện mới) so với năm trước, trong đó có 1.244 người có mặt tại địa phương, số còn lại đang chịu phạt tù, cai tại các trung tâm hoặc vắng mặt ở địa phương.

 

Anh Nguyễn Anh Hùng, chuyên viên phụ trách công tác cai nghiện Phòng Lao động – TBHX thành phố cho biết: Thành phố đã xây dựng Đề án Phòng, chống ma tuý giai đoạn 2011-2015 với các mục tiêu: Quản lý 100% người nghiện ma tuý có mặt trên địa bàn, tổ chức cai nghiện tập trung cho 100% số người nghiện ma tuý đủ điều kiện cai nghiện, phấn đấu giảm 15% trở lên số người nghiện; quản lý và sử dụng có hiệu quả điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone… Trên địa bàn thành phố có 21/28 xã, phường có trạm cai nghiện ma tuý, cùng với Trung tâm cai nghiện của thành phố, của tỉnh, năm nay Thành phố có kế hoạch cai nghiện cho khoảng 800 người. Tuy nhiên, hầu hết số đối tượng nghiện sau cai lại tái nghiện là do không có việc làm, việc quản lý người nghiện ma tuý sau cai tại địa phương chưa hiệu quả; gia đình người nghiện có hoàn cảnh khó khăn nên không thể đóng góp kinh phí khi thực hiện cai nghiện bắt buộc; lực lượng làm công tác phòng, chống ma tuý ở cơ sở còn mỏng, phụ cấp thấp nên hiệu quả còn hạn chế…

 

Để từng bước khắc phục tình trạng trên thì cần phải giải quyết đồng thời cả phần “cung” và phần “cầu” về ma tuý với các biện pháp đồng bộ: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma tuý; sử dụng các biện pháp mạnh để xoá triệt để các đường dây, điểm, tụ điểm mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý; tổ chức tốt các loại hình cai nghiện, đẩy mạnh công tác quản lý, tạo việc làm cho người nghiện sau cai; tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống ma tuý và cai nghiện phục hồi…