Là trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục của vùng trung du miền núi phía Bắc, với vị trí rất thuận lợi về giao thông kết nối hầu hết với các tỉnh, thành phố phía Bắc, Thái Nguyên có thế mạnh để phát triển, giao lưu kinh tế. Nhưng đây cũng là đặc điểm khiến tệ nạn ma tuý dễ phát triển. Những năm qua, mặc dù lực lượng chức năng đã tấn công, truy quét mạnh nhưng tệ nạn này vẫn tồn tại dai dẳng, phức tạp.
Để tiếp tục ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma tuý, cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỉnh Thái Nguyên hết sức chú ý tới công tác tuyên truyền về phòng chống loại tện nạn này tới các tầng lớp nhân dân.
Hiện nay Thái Nguyên là một trong những tỉnh đặc biệt trọng điểm về số người nghiện ma túy. Tính đến tháng 6/2012, trên địa bàn tỉnh có 5.280 người nghiện ma túy có danh sách quản lý. Mỗi năm trên địa bàn phát hiện, triệt phá hàng trăm vụ phạm pháp về ma túy. Từ khi có Kế hoạch liên tịch số 2064, ngày 13/6/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về “phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng”, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành từ tỉnh tới thôn, xóm, tổ nhân dân tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; vận động, giúp đỡ người nghiện đăng ký, tham gia các chương trình cai nghiện, phục hồi sau cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.
Chỉ trong thời gian ngắn tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Chỉ thị số 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, Luật Phòng chống ma túy, các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành trung ương và địa phương về cảnh giác và phòng chống các loại tội phạm.
Hàng năm, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp đã chỉ đạo các tổ chức hội, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, nội dung, phương án phòng chống các tệ nạn xã hội của địa phương, tổ chức. Đặc biệt tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng xã hội đối với phòng chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, vận động, giúp đỡ, hỗ trợ gia đình có người nghiện ma túy và bản thân người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng.
Các hoạt động tuyên truyền, vận động phòng chống ma túy được các cấp, ngành, địa phương tổ chức đa dạng, lồng ghép với nhiều nội dung, hình thức như: phòng chống mại dâm, phòng chống HIV/AIDS, lao động, việc làm… của Ngành Lao động; giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, học tập chính trị, quy chế nhà trường đầu khóa, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực… của Ngành Giáo dục; phong trào thanh niên tình nguyện, lập thân, lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước… của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phòng trào “sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “an toàn lao động” của Công đoàn; xây dựng gia đình văn hóa, tổ nhân dân, xóm văn hóa… của Ngành Văn hóa; Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa"... của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phong trào “Gia đình cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh; phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của Hội Người cao tuổi; phong trào gia đình nông dân văn hóa của Hội Nông dân; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Phụ nữ; tuyên truyền thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội… của Ngành Tuyên giáo v.v…
Nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động phòng chống ma túy được sân khấu hóa qua các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm thu hút nhiều người, nhiều đối tượng theo dõi và hướng ứng. Đặc biệt, với vị thế là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 cả nước sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh thường xuyên có trên 100.000 học sinh, sinh viên đến học tập, nên công tác tuyên truyền phòng chống ma tuý trong học sinh, sinh viên luôn được coi trọng.
Với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”… những năm qua các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội đã tuyên truyền, vận động được 859.275 lượt hộ gia đình ký cam kết không có người thân phạm tội và mắc tệ nạn xã hội; vận động, giúp đỡ những gia đình có người nghiện và cá nhân người nghiện ma túy cai nghiện, tích cực lao động, ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức 6.873 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao hiểu biết, nghiệp vụ, kỹ năng về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy…cho 743.707 lượt người tham dự. Tổ chức phát trên 841.000 tờ rơi, tờ gấp có nội dung ma túy và phòng chống ma túy.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các ngành kết hợp nhiều hình thức, biện pháp, huy động được nhiều lực lượng tham gia vào công tác vận động, thuyết phục người nghiện ma túy thực hiện các biện pháp cai nghiện. Hơn 4 năm (2008- 6/2012) tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cai nghiện, giáo dục, phục hồi cho 9.326 lượt người. Đặc biệt đã tuyên truyền, vận động được 5.489 lượt người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Điển hình là các địa phương: Thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ v.v... Để hạn chế tái nghiện, các địa phương, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đã tích cực dạy nghề, tạo vốn, việc làm, môi trường sống lành mạnh cho người sau cai nghiện. Điển hình là các tổ chức hội, địa phương, đơn vị: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Phổ Yên, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội huyện Đại Từ v.v...
Tuy nhiên công tác này còn gặp những hạn chế như: một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, nhất là cấp xã, ở vùng sâu, vùng xa, vùng ít tệ nạn ma túy còn chủ quan, chưa thấy hết trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy. Nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân chưa thấy hết tác hại của các tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy đối với phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, thậm chí cả với gia đình, người thân của người nghiện ma túy còn khá phổ biến. Công tác hỗ trợ vốn, việc làm, xác lập môi trường lành mạnh, không ma túy, các hoạt động phục hồi thể trạng, tâm lý, tham gia các hoạt động cộng đồng cho người sau cai nghiện còn nhiều hạn chế, khó khăn v.v…
Những kết quả đạt được trong tuyên truyền phòng chống ma tuý ở Thái Nguyên là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại hiểm hoạ ma tuý còn rất cam go, phức tạp. Trong thời gian tới, tỉnh cần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để làm tốt hơn nữa.