Gian nan nẻo về

09:08, 03/08/2012

Đến nay, Thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ có 5/16 tổ dân phố không có người nghiện ma túy, 7 người đã từ bỏ được ma túy nhiều năm nay...

Anh Nguyễn Cao Thái, tổ 3, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) là một trong những người đã từ bỏ được ma túy từ năm 2006 đến nay. Kể về con đường mắc nghiện của mình, anh Thái nhớ lại: Năm 1988, tôi đi bộ đội ở Cao Bằng và mắc nghiện lúc nào không biết. Khi ra quân, mới biết mình mắc nghiện. Chán đời nên tôi đã đi làm vàng ở khắp các tỉnh miền Bắc, miền Nam. Vàng đâu không thấy, chỉ thấy mình càng ngày càng không thể thiếu thuốc, làm bất cứ việc gì để có tiền mua thuốc. Tôi không chịu làm ăn, suốt ngày vật vờ xin tiền của vợ, của mẹ để mua thuốc phiện, lần nào xin tiền cũng nói đây là lần cuối cùng và hứa sẽ cai nghiện. Tôi cũng đã tự cai nhiều lần nhưng vẫn đâu vào đấy, vợ tôi đã làm đơn ly hôn và mang con gái về bên ngoại ở. Những người nghiện cùng thời với tôi lần lượt “ra đi”, lúc này, tôi mới thấy cuộc đời mình trống trải và quyết tâm cai nghiện bằng được.

 

Được bố mẹ, anh em động viên, giúp đỡ, anh Thái đã tự nhốt mình trong nhà, khóa cửa sắt, không giao lưu với ai trong 6 tháng liền. Sau đó, anh đi học lái xe và về lái thuê ở thị trấn, rồi xin vào làm Hợp tác tác xã Tiểu thủ công nghiệp Trại Cau từ năm 2009 đến nay, với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Anh Thái cho biết thêm: Con gái tôi năm nay học lớp 12, chuẩn bị thi đại học. Mặc dù nó không ở bên tôi nhưng tôi luôn suy nghĩ mình phải có trách nhiệm lo cho con ăn học, bù đắp thiệt thòi cho con…

 

Với anh Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1967, tổ 18, thị trấn Trại Cau thì vẫn còn may mắn là có vợ con ở bên để động viên, chia sẻ những lúc anh vật vã thèm thuốc. Không có việc làm, năm 1991, cơn lốc tìm vàng đã cuốn anh Cường cùng nhiều người dân ở địa phương lên núi và mắc nghiện. Trở về quê trong thân hình tàn tạ vì ma tuý, nhìn bạn bè cùng đi làm vàng với mình lần lượt “ra đi” vì căn “bệnh lạ”, anh Cường chợt rùng mình và tự hỏi: Bao giờ đến lượt mình? 14 năm say sưa với nàng tiên nâu, anh bỏ mặc người vợ làm lụng vất vả nuôi hai cô con gái nhỏ. Gia đình hai bên khuyên nhủ nhưng ai bỏ mặc ngoài tai để chạy theo thú vui của riêng mình. Đến khi không thể chịu được nữa, vợ anh làm đơn ly hôn, lúc này anh mới chợt tỉnh. Anh vẫn còn nhớ một lần đón con từ nhà trẻ về, thấy con gái khóc đỏ mắt, anh hỏi thì được con trả lời: Các bạn bảo với con bố mày là thằng nghiện. Anh biết con mới 3 tuổi chưa hiểu thế nào là nghiện nhưng có lẽ nó nghĩ nghiện là rất xấu, nên khi bạn bè nói vậy, nó đã khóc. Vậy là anh quyết tâm bỏ bằng được ma túy.

Từ năm 2005 đến nay, anh đã không còn dùng thuốc phiện nữa nhưng sức khỏe yếu nên chỉ giúp vợ công việc nhà và trông con. Chị Trần Thị Hiền, vợ anh Cường chia sẻ: Tôi không còn nước mắt để khóc nữa. Cai đi cai lại không biết bao nhiêu lần mới bỏ được mấy năm nay nên gia đình và xã hội đều mất lòng tin. Lần đầu tiên cai nghiện, tổ dân phố, thị trấn cũng đến động viên nhưng rồi tái nghiện và những lần cai sau chỉ có hai vợ chồng.  Tôi phải đi làm từ sáng đến tối nên không thể quản lý được, tất cả đều do bản thân anh ấy. Tôi cũng mong anh ấy thương vợ, thương con mà không nghĩ đến ma túy nữa… 

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nghiêm Sơn Hà, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy Thị trấn cho biết: Hiện nay trên địa bàn thị trấn còn 38 đối tượng nghiện ma túy, trong đó có mặt tại địa phương 22 người, số còn lại đang cai nghiện tại Trung tâm của tỉnh và đi làm ăn xa. Để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, Thị trấn đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, hàng quý tổ chức họp giao ban, triển khai biện pháp, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ các thành viên theo dõi, quản lý, tuyên truyền, giúp đỡ những gia đình có người mắc nghiện. Tổ chức tuyên truyền vận động trên các cụm loa truyền thanh, lồng ghép trong các cuộc họp tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể… qua đó hình thành ý thức cho mỗi người dân, gia đình về hiểm họa ma túy và đại dịch HIV/AIDS.

 

Ngoài ra, công tác phòng, chống ma túy còn được gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và coi đây là tiêu chí để xét thi đua hàng năm. Đến nay, thị trấn có 5/16 tổ dân phố không có người nghiện ma túy, 7 người đã từ bỏ được ma túy nhiều năm nay. Tuy nhiên, cái khó của công tác này ở địa phương là việc phối hợp trong triệt phá tụ điểm buôn bán ma túy chưa hiệu quả, đối tượng nghiện trên địa bàn nhiều, trong khi địa phương không có cán bộ chuyên trách quản lý tệ nạn xã hội nên khó khăn trong việc tổ chức kiểm tra, xét nghiệm đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV mà chủ yếu do sự tự giác của đối tượng… Do vậy, để từng bước siết chặt quản lý đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn thì bên cạnh sự mạnh tay xử lý của các cấp, các ngành, rất cần sự hợp tác của mỗi gia đình và chính bản thân những người mắc nghiện…