Thuốc Cedemex, sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước do các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo nghiên cứu, bào chế.
Anh Nguyễn Văn Tĩnh, xóm An Thành, xã Thượng Nung, huyện Ðại Từ (Thái Nguyên) tâm sự: Nhà nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, khi nghiện ma túy, cuộc sống ngày càng vất vả. Em đã đi cai nghiện ma túy bằng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng không cai được. Nhờ có đợt điều trị bằng thuốc Cedemex tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động của tỉnh Thái Nguyên em đã không tái nghiện, trở về với gia đình và lao động bình thường. Nguyễn Văn Tĩnh là một trong số 46 người nghiện ma túy của tỉnh Thái Nguyên, đối tượng tham gia Ðề án : 'Dùng thuốc Cedemex trong hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy tại tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2010-2012)'.
Từ thực trạng tỷ lệ tái nghiện còn cao, lãnh đạo tỉnh và một số sở, ngành liên quan của tỉnh đã tổ chức đoàn công tác tham quan, nghiên cứu mô hình cai nghiện bằng thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy Cedemex tại TP Hải Phòng. Sau khi nghiên cứu mô hình cai nghiện của tỉnh bạn và trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo, cơ quan nghiên cứu và sản xuất thuốc Cedemex, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, xây dựng Ðề án dùng thuốc Cedemex hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy tại tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2010-2012). Ðề án được triển khai tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh.
Trung tâm đã điều trị thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy Cedemex cho người nghiện ma túy theo đúng phác đồ điều trị cắt cơn và duy trì, ghi chép đầy đủ diễn biến cai nghiện vào bệnh án, sổ theo dõi đối tượng dùng thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy Cedemex. Qua kiểm tra thử test nước tiểu, giám sát, đánh giá, phỏng vấn trực tiếp đối tượng dùng thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại trung tâm cho thấy kết quả đáng khích lệ: Người nghiện cắt cơn êm dịu, không có hiện tượng dị cảm (giòi bò) trong xương, không thèm đói ma túy. Trong quá trình điều trị duy trì, tinh thần và sức khỏe của người nghiện được cải thiện, không có tai biến khi điều trị và không có tác dụng phụ không có lợi cho người sử dụng. Cedemex còn giúp phục hồi các rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh lý do nghiện ma túy gây nên . Kết quả số người không tái nghiện là 13 trong tổng số 46 người tham gia đề án, đạt tỷ lệ 31,70 %. Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng, hiệu quả bước đầu của thuốc Cedemex trong cắt cơn cai nghiện và điều trị duy trì đã có tính ưu việt và hiệu quả, nhất là tỷ lệ không tái nghiện sau cai (đạt 31,7 %) cao hơn nhiều so với điều trị bằng thuốc An thần kinh (tỷ lệ không tái nghiện ở địa phương trong giai đoạn 2006-2010 chỉ đạt 4,5 %).
Nghiện ma túy là căn bệnh đặc thù không giống căn bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm vi-rút, bản thân người cai nghiện cần có nghị lực, quyết tâm cao, thật sự mong muốn được chữa bệnh, thực hiện đầy đủ hướng dẫn điều trị, quy định của pháp luật về quản lý sau cai ở cộng đồng, tôn trọng, tự giác thực hiện 'quy định' của gia đình, người thân. Người bệnh cần vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của cộng đồng và kể cả người thân trong gia đình, không giao tiếp với bạn nghiện cũ, cần cách ly hoàn toàn với môi trường có ma túy. Gia đình là một yếu tố rất quan trọng, có thể nói đây là một chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần, vật chất, tâm lý trong suốt thời gian người bệnh chữa bệnh (trong suốt thời gian uống thuốc và quản lý sau cai). Gia đình nào có sự quản lý chặt chẽ, quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời, đúng mức và thường xuyên (bố mẹ, vợ, con, anh chị em ruột, người thân) thì việc phòng, chống tái nghiện mới thành công. Tiến sĩ Nguyễn Phú Kiều đưa ra điều kiện cần và đủ để cai nghiện ma túy thành công: Thuốc Cedemex cùng sự quyết tâm chữa bệnh cao của người nghiện ma túy và sự chăm sóc đặc biệt của gia đình, người thân, chính quyền các cấp ở địa phương.
Kết quả bước đầu trong việc điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex đã được nhiều người biết đến. Một số người nghiện và gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã trực tiếp đến Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo, xin tự nguyện cai nghiện bằng thuốc hỗ trợ cắt cơn cai nghiện ma túy Cedemex. Tháng 5-2012, Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo đã phối hợp với ban chủ nhiệm đề án nêu trên, tiến hành kiểm tra, giám sát người nghiện tự nguyện đến viện để tư vấn và sử dụng thuốc Cedemex cai tại gia đình. Kết quả kiểm tra, khảo sát, thu thập thông tin, cụ thể: Số người tái nghiện: Ba trong số 13 người, chiếm tỷ lệ 23,1%. Số người không tái nghiện: 10 người trong số 13 người, chiếm tỷ lệ 76,9%.