Những mảnh ghép “dấu cộng”

09:08, 11/09/2012

Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh có số người mắc HIV cao, khoảng trên 6.000 người, trong đó có gần 5.000 người đang sống và được điều trị.

Trong số họ có nhiều người tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Họ tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ (CLB): “Hoa Hướng Dương”; “Vì ngày mai tương sáng”; “Bạn giúp bạn” và “Vòng tay nhân ái”... Các CLB này nhằm chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ cuộc sống của những người có HIV/AIDS.

 

Từ tham gia sinh hoạt CLB, họ có điều kiện gặp gỡ, chia sẻ, thông hiểu và có không ít người dần cảm mến, thương yêu và đi đến hôn nhân. Trong số họ có nhiều người từng bị đổ vỡ hạnh phúc, có người chưa một lần xây dựng gia đình, vì thế những người cùng cảnh ngộ gọi họ là những mảnh vỡ của cuộc đời bị lây nhiễm HIV/AIDS được ghép lại, hay đó là những mảnh ghép “dấu cộng”.

 

Chị N.T.H (Phan Đình Phùng) và anh P.H.V (Quang Trung) là một trong những cặp đôi như vậy. Anh V. là thành viên CLB “Vì ngày mai tươi sáng”, còn chị H. là thành viên CLB “Hoa Hướng Dương”. Họ đến với nhau như duyên phận. Cảm thông và quyết định chung sống với nhau.

 

- Tôi rất muốn có con với người vợ mới. Anh V. bảo.

 

- Muốn có con thì cả 2 vợ chồng phải sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Phải kiêng khem triệt để, tránh lây nhiễm sang con. Chị H. nói.

 

Trước đây, khi đi xét nghiệm, phát hiện trong cơ thể có virut HIV, anh V., chị H. từng có ý định đâm đầu vào ô tô tự vẫn. Nhưng từ khi gặp nhau, nên vợ thành chồng, cả 2 người đều thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Hiện họ đang sống với nhau hạnh phúc và mơ về một tương lai, hằng ngày chồng đi làm thuê, vợ bán hàng rong kiếm tiền nuôi một đứa con không có HIV để nương tựa khi về già.

 

Đến các CLB dành cho người có HIV, tôi được nghe rất nhiều về những mối tình của 2 mảnh vỡ “dấu cộng” ghép lại. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn T, phường Đồng Quang không giấu diếm: Khi tôi đưa cô bạn gái về nhà, bố không nói gì, mẹ chỉ quay mặt đi chỗ khác lau nước mắt. Bối tôi bảo: Mày lại định làm khổ con gái nhà người ta à?. Tôi bảo: Bạn ấy cùng sinh hoạt với con trong CLB Vì ngày mai tươi sáng. Bố tôi lại bảo: Nếu chúng mày thích, chọn ngày Hoàng đạo, bố sẽ mang lễ đến nhà người ta.

 

Chúng tôi nên vợ, thành chồng như thế. Người thân trong gia đình không cản ngăn, không khuyến khích mà thậm chí còn muốn sau hôn sự, cho chúng tôi ra ở riêng, tránh va chạm cảnh mẹ chồng, nàng dâu.

 

Chuyện của T làm tôi nhớ lại hôm sau Tết Nguyên đán 2012, khi đến thăm gia đình người bạn ở phường Quang Trung, thấy con trai người bạn đưa về một cô gái tóc nhuộm màu hạt dẻ, mấy sợi trước trán nhuộm màu trắng trông tựa nhân vật Cô Cô trong phim chưởng Trung Quốc. Vợ anh bạn te tái giới thiệu: Cháu M, sinh viên Trường Đại học Sư phạm, người yêu của cháu KH.

 

Tôi ấm ớ chưa biết nói gì thì chị tiếp lời: Từ tối đến giờ tôi phân tích cho cháu M. nghe về hoàn cảnh của thằng KH., nhưng chúng nó vẫn nhất quyết đòi lấy nhau. Vừa rồi con M còn dân dấn nước mắt, bảo: 2 đứa đã có thai tháng thứ 3.

 

Hôm mới đây gặp lại, vợ chồng anh bạn khoe: Vợ thằng KH. đã sinh cháu. Chúng tôi đặt tên cho cháu là Đức. Cháu Đức khỏe mạnh, bụ bẫm, háu ăn và không có vi rút HIV.

 

Còn có hạnh phúc nào hơn khi những mảnh vỡ ghép lại thành hạnh phúc tròn trịa. Nhưng những mảnh vỡ “dấu cộng” có “sắc màu” nhạy cảm, chất chứa bên trong một tổn thất nặng về tinh thần, có chung một sinh linh nho nhỏ, hằng ngày ê a tập nói thì niềm hạnh phúc ấy được nhân lên bội phần.

 

Q., phường Gia Sàng sau khi phát hiện mình có HIV, vợ bế con bỏ về nhà bố mẹ đẻ - Họ chia tay nhau. Q. hết sức đau buồn và bắt đầu trả thù đời bằng cách quan hệ bừa bãi với gái mại dâm. Rồi, Q. đưa về nhà một người đàn bà hơn mình 9 tuổi, trên tay bồng theo một bé trai. Q. giới thiệu với bố mẹ: Chồng chị ấy nghiện hút, bán hết đồ trong nhà và đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà. Con quyết định chung sống với chị ấy.

 

“Rổ rá cạp lại”, họ thành đôi. Vợ chồng Q. thuê một gian phòng trọ ở sau khu vực bến xe khách Thái Nguyên. Hằng ngày chồng đi phụ hồ, vợ đi bán hàng rong. Cái hạnh phúc của người “dấu cộng” được ghép lại từ 2 mảnh vỡ cuộc đời chưa dư dả, song trong gian phòng trọ hằng ngày đã ấm áp ngọn lửa thổi nấu. Tôi nghĩ, đó là ngọn lửa được nhen nhóm lên từ khát vọng sống của 2 con người từng khổ đau, thất vọng.

 

Ai cũng thế, đều như muốn chết gục ngay tại chỗ khi nhận kết quả xét nghiệm: “Dương tính với HIV”. Song sau cú sốc, nhiều người lao vào các cuộc chơi bời trác táng, với suy nghĩ trả thù đời. Anh Nguyễn Xuân Cường, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) là một trong những người trượt dài trên con đường đầy vực dốc nhân cách. Còn chị Nguyễn Thị Hằng từng khóc hết nước mắt khi biết mình bị chồng đổ cho căn bệnh HIV. Gia đình đổ vỡ, đã có lúc chị nghĩ tới việc quyên sinh, nhưng đứa con không có tội.

 

Năm 2005, chị Hằng và anh Cường gặp nhau và thành duyên chồng vợ. Anh Cường là thành viên tích cực của CLB “Vì ngày mai tươi sáng”; Chị Hằng là nhân tố tích cực của CLB “Hoa Hướng Dương”. Họ đã đứng dậy để sống như bao con người lương thiện.

 

Nhưng tôi biết vợ chồng Cường - Hằng, cũng như nhiều mảnh vỡ “dấu cộng” ghép lại đã trở nên “một cặp đôi hoàn hảo”. Họ đã để lại sau lưng mình bao đau đắng của cuộc đời. Và phía tương lai, họ vượt lên mọi kỳ thị xã hội, bươn trải với khó khăn kinh tế để sống như một con người.

 

(trong bài, những người viết rõ tên đã đồng ý nêu danh tính).