Tính đến tháng 3-2017, cả nước có 64% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó 66% số người điều trị HIV tại các cơ sở khám chữa bệnh được khảo sát có thẻ bảo hiểm y tế.
Hiện 205/398 cơ sở khám chữa bệnh HIV/AIDS trong cả nước bổ sung hợp đồng hoặc đã ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố để thực hiện khám chữa bệnh HIV. Hiện nay, người nhiễm HIV, người bệnh lao đều đã có cơ chế bảo hiểm y tế đặc thù về quyền lợi sử dụng dịch vụ y tế, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến.
Người nhiễm HIV được đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu có khám chữa bệnh HIV/AIDS trong địa bàn huyện, tỉnh. Theo đó, cơ chế bảo hiểm đặc thù đối với người nhiễm HIV là hỗ trợ cùng chi trả với thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế từ các nguồn như Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV và nguồn quỹ của cơ sở khám chữa bệnh. Đối với bệnh lao, người mắc bệnh được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã và được chuyển tuyến đến cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương. Người mắc bệnh lao có thể được chuyển mẫu bệnh phẩm hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khác để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh tuy nhiên chưa có mức hưởng và cơ chế đặc thù thanh toán thuốc chống lao.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Các giải pháp đảm bảo tài chính phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020 tập trung vào tăng cường vận động cam kết của Chính phủ thông qua quyết định phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, ngành Y tế đã huy động kinh phí từ bảo hiểm y tế thông qua việc hoàn thiện thông tư về bảo hiểm y tế cho khám và điều trị HIV/AIDS; kiện toàn hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS phù hợp với các điều kiện chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế; xây dựng kế hoạch cung cấp thuốc ARV từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế; xây dựng kế hoạch truyền thông vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, ngành Y tế còn huy động kinh phí từ thu phí dịch vụ với qui định mức tối đa khung giá một số dịch vụ điều trị Methadone (tạo cơ sở pháp lý để xã hội hóa điều trị Methadone)... Tuy nhiên, do nguồn viện trợ nước ngoài dù có giảm nhưng đến thời điểm này vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%), Cục Phòng chống HIV/AIDS tiếp tục tích cực huy động từ nguồn này.
Trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, các tổ chức xã hội đã tham gia đóng góp ở nhiều mức độ, với các hoạt động như: Hỗ trợ truyền thông, dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV tại cộng đồng; cùng hệ thống quốc gia cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ cho người nhiễm HIV; góp phần vận động chính sách phòng chống HIV/AIDS...