Có tiếng là dân anh chị, nhưng khi cầm kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, Trần Xuân Thành, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) vẫn choáng váng. Anh không ngờ cái chết lại đến với mình nhanh thế dù cuộc đời buồn nhiều hơn vui.
Đó là một ngày cuối năm 2005, trời rét như có hàng vạn mũi kim châm chích vào da thịt, từng cơn ho rát họng, rũ người làm anh mệt lả. Anh đã dùng đến đợt kháng sinh liều cao thứ 3, nhưng cổ họng vẫn đau rát vì từng đợt ho kéo dài, và anh bắt đầu khạc nhổ ra máu. Có lẽ mình bị bệnh HIV rồi! Anh nghi hoặc căn bệnh chết người ấy đã bắt đầu phát tán trong cơ thể. Dù không muốn, nhưng anh biết đến một ngày nào đó mình sẽ khó thoát bệnh, vì không ít lần đói thuốc, anh chìa cánh tay của mình để bạn nghiện tiêm giúp ma túy vào mạch máu. Lại nữa, mấy thằng bạn nghiện theo nhau chết trong 3 năm vừa rồi vì căn bệnh AIDS càng làm anh phát hoảng.
Tiếc là căn bệnh HIV đến với mình sớm hơn dự liệu. Anh bắt đầu ngồi trầm mặc, thậm chí thức trắng đêm không ngủ để tự vấn, để xâu chuỗi lại cái thời trẻ trung, ngang tàng, kiếm tiền dễ như nhặt được trên các bãi vàng Khau Âu (Na Rì, Bắc Kạn), Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên). Nói là kiếm được nhiều tiền, nhưng được bao nhiêu đều dùng mua thuốc phiện hút. Anh kể: Mùa hè năm 1996, tại bãi vàng Thần Sa, tôi đào trúng nẹp vàng. Mừng quýnh nhưng chấn tĩnh lại ngay, vì “tiết lộ thiên cơ” thì chưa chắc đã về được nhà. Tôi giả ốm, rồi thuê người khiêng từ trong bãi ra bệnh viện huyện. Cách làm này của tôi đã qua được mặt những tên trộm, cướp cộm cán… Anh xòe 2 bàn tay, khoe: Hơn 13 kí lô vàng. Tôi bỏ luôn “cái nghề” vàng tặc, về nhà quyết chí làm một người lương thiện, chân chính.
Những tưởng từ nay đời sang trang mới. Nhưng hơi khói phù du của thuốc phiện làm anh nuối nhớ. Nhớ kinh khủng, nhớ đến mức như có giòi cù trong tủy. Trong lúc cố làm người lương thiện thì bạn nghiện kích bác: Mày được vàng quên bạn. Cay đời, anh bảo: Tao sẽ chiêu đãi chúng mày một lần “nhất dạ đế vương”, rồi tạm biệt bàn đèn, chia tay với chúng mày. Song hết lần này đến lần khác, anh hút thuốc phiện cùng bạn, rồi chích ma túy cùng bạn. Khi số vàng đổi bằng mạng sống của mình không còn, cũng là lúc bạn bè thân thiết không tìm đến nhà. Vì đói thuốc, túi hết tiền, anh tìm đến nhà bạn cũ hỏi vay mượn, chỗ nào anh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, thậm chị bị xua đuổi. Anh thở dài: Tôi không ngờ lời nguyền “được vàng thì lụi” của người xưa lại vận vào cuộc đời mình như định mệnh.
Ông Trần Xuân Giang, bố của Thành kể: Thấy con hút, chích thuốc phiện, tôi đau lòng lắm. Tôi mắng, nó nói: Con hút bằng tiền do mình làm ra, chứ có xin của ai đâu mà nạt nộ. Lúc nó đốt hết tiền cho ma túy, thì nhân cách của nó trở nên hung hãn. Nó mang đồ trong nhà đi bán, tôi nói đó là đồ của bố mẹ, của các em. Nó bảo cho con mượn, sau này có tiền con đền.
Để cứu con trai, tôi chấp nhận bán đi một lô đất cạnh nhà lấy tiền mua thuốc phiện cho nó hút. Với suy nghĩ cho nó hút giảm dần liều lượng rồi cai hẳn. Nhưng không được, nhiều lần đói thuốc nó hung hãn như con thú dại, tôi đành nhờ chính quyền địa phương cho nó vào Trung tâm cai nghiện. Sau cai, nó trở về, đẹp mã hơn. Nhưng chỉ mấy hôm sau lại bị mấy thằng bạn nghiện lôi đi hút, chích ma túy. Cay đắng vì không dạy được con, tôi lại nhờ địa phương cho nó đi cai nghiện. Và cái điệp khúc cai nghiện, tái nghiện được lặp đi lặp lại gần chục lần thì tôi buông xuôi, mặc cho nó lao đầu vào chỗ chết. Rồi nó ốm đến mức ho ra huyết, tôi khuyên nó đi làm xét nghiệm máu. Nó đi, đến chiều muồn mới về, mắt đờ đẫn, vô hồn, miệng nói như người bị hụt hơi: Xin lỗi bố, con bị lây nhiễm HIV rồi!
Ông Giang mắt đỏ hoe khi kể lại câu chuyện này với tôi. Còn Thành ngồi bên bố như đứa trẻ, cử chỉ lóng ngóng vì nhận ra lầm lỗi của mình. Anh chia sẻ: Bố nói như thế, nhưng bố thương tôi hết mực. Chính vì thế mà tôi tỉnh ngộ, tự cai nghiện ma túy ở nhà, tự vượt qua cơn vật vã, đau đớn, bởi tôi không muốn để bố, mẹ, người thân của mình phải khổ hơn nữa. Và dù biết trong cơ thể của mình có vi rút HIV, song tôi nhận ra rằng, con người ta được sinh ra, ai cũng có nỗi niềm riêng, nhưng dù khổ cực, cay đắng đến đâu thì được sống vẫn là niềm hạnh phúc nhất.
Để kiếm sống, anh đi làm phụ xây. Do chăm chỉ, biết việc, nên được trả 200.000 đồng tiền công/ngày. Thấy anh chịu thương, chịu khó, chị Phan Thị Hòa, thành viên Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương tự nguyện theo anh về làm vợ. Cùng cảnh bị lây nhiệm HIV, nên 2 người luôn có sự cảm thông, sẻ chia, động viên nhau sống lương thiện. Hằng ngày, chị Hòa thức dậy từ rất sớm để thổi cơm cho cả nhà cùng ăn, rồi anh đi theo công trình làm phụ vữa, chị đi hái chè thuê. Chị Hòa cho biết: Làm nghề tự do có thu nhập không cao, cuộc sống tùng tiệm, nhưng với chúng tôi thì đây mới thật sự là tháng ngày hạnh phúc. Còn anh Thành chia sẻ: Tôi đã đốt hết phần đời tươi trẻ của mình cho ma túy. Tôi đã phải chịu tháng ngày đau đớn, tủi nhục, hổ thẹn. Lúc tăm tối nhất cuộc đời, tôi mới nhận ra cuộc đời rất đẹp, và hạnh phúc là được sống làm người.
Nép vào vai chồng, chị Hòa bẽn lẽn khoe: Tôi có bầu được hơn 2 tháng rồi. Do 2 vợ chồng đều có HIV, nên trước lúc có ý định mang thai, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ…
Một “thiên thần bé nhỏ” sẽ làm cho gia đình êm ấm trọn vẹn. Tôi mong ít tháng nữa, đứa con của anh chị chào đời sẽ bình thường như bao đứa trẻ.
(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)