Bất cập trong cai nghiện ma túy tại gia đình

09:46, 16/10/2018

Đề án đổi mới cai nghiện ma túy của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý là 90%; tỷ lệ điều trị bắt buộc tại Trung tâm giảm xuống còn 6%. Điều này có nghĩa là công tác cai nghiện ma túy theo Đề án này chủ yếu hướng đến cai nghiện ở cộng đồng, gia đình.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình còn rất nhiều bất cập do thiếu và yếu về cả cơ sở vật chất, nhân lực, chế độ, chính sách.

Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), chia sẻ: Hiện nay, cai nghiện tại gia đình hầu hết là cai khan, cai bo. Có nghĩa là gia đình tự mua thuốc, tự tổ chức cai tại nhà mà không có một sự hỗ trợ nào về thuốc, chuyên gia y tế, tâm lý. Theo số liệu thống kê, từ năm 2008 đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh có trên 9.800 lượt người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, chiếm 55,7% số lượt người cai nghiện ma túy qua các hình thức. Tuy vậy, số lượng người cai nghiện thành công (sau 3 năm không sử dụng ma túy) chiếm số lượng rất hạn chế.

Theo bác sĩ Lê Đức Hùng, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội): Loại thuốc thường sử dụng trong cai nghiện tại gia đình hiện nay là thuốc ngủ hoặc một số loại thuốc cắt cơn thông dụng. Thời gian cai chỉ khoảng 15-20 ngày, sau đó người nghiện trở  lại với việc lao động, sinh hoạt bình thường, nguy cơ tái nghiện là rất cao. Trong khi đó, đối với cai nghiện tại các cơ sở chuyên sâu, người nghiện được khám, tư vấn, dùng các loại thuốc theo từng giai đoạn. Người nghiện còn được tư vấn tâm lý, tham gia các hoạt động ngoại khóa, dạy nghề trong vòng 1-2 năm. Do đó, tỷ lệ thành công của hình thức cai nghiện tại gia đình tương đối thấp, chỉ khoảng 2-3%.

Những năm qua, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh hầu như chưa phát huy được hiệu quả với nhiều lý do. Đơn cử như về y tế, Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng nêu rõ: Cơ sở y tế cấp xã, bác sĩ điều trị cắt cơn có trách nhiệm khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án cho người nghiện; xét nghiệm để chuẩn bị điều trị cắt cơn; xây dựng kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp với từng đối tượng. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, việc này là bất khả thi.

Theo chị Phạm Thị Thanh Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hương Sơn (Phú Bình): Hiện nay, Trạm Y tế mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ tư vấn cai nghiện cho người nghiện ma túy. Còn những nhiệm vụ khác, Trạm Y tế chưa có cán bộ chuyên trách hay bất cứ một thiết bị nào để thực hiện việc xét nghiệm chất ma túy hay triển khai các xét nghiệm khác và điều trị cắt cơn cho người nghiện.

Hiện nay, ở cấp xã có thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, tuy vậy, hoạt động của các Tổ này đều là kiêm nghiệm thêm, không có chuyên môn sau trong lĩnh vực cai nghiện nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Thêm nữa, sự kỳ thị của cộng đồng cũng khiến người nghiện và gia đình người nghiện gặp trở ngại khi muốn chia sẻ thông tin hoặc nhờ đến sự giám sát của những người xung quanh. Điều này cũng dẫn đến việc sau cai khi cắt cơn, người nghiện muốn tìm một việc làm ổn định là rất khó khăn, kể cả khi họ có đủ trình độ và tay nghề.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng vẫn là một giải pháp cần thiết để điều trị cho hơn 5.200 người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, điều cần thiết nhất là phải nâng cao hiệu quả của công tác này. Theo đó, cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người nghiện, gia đình và cộng đồng về việc nghiện ma túy là một căn bệnh, có thể cai được để họ tự giác hợp tác, lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp. Thêm nữa, cần có chính sách cho việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng bằng việc hỗ trợ về thuốc, tư vấn y tế, tâm lý cho người nghiện. Trên hết, cần có chính sách hỗ trợ sau cai nghiện thiết thực và phù hợp với các đối tượng nghiện ma túy để họ có thể có việc làm, tự ổn định cuộc sống. Đồng thời, phải xây dựng được môi trường lành mạnh, không có ma túy để hạn chế những nguy cơ gia tăng số người nghiện mới.