Giải pháp bền vững trong phòng, chống đại dịch AIDS

10:20, 23/11/2018

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6.674 người nhiễm HIV ccòn sống, trong đó, có 4.945 người đang được quản lý. Số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV laâ 3.292 người.

ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi từ năm 2004, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 1990 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hiện nay, các chi phí điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu và từ Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng, Chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, từ năm 2017, các nguồn viện trợ điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV từ các dự án Quốc tế bị cắt giảm khiến công tác phòng, chống HIV/AIDS trên cả nước, trong đó có Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, từ tháng 7-2017, nước ta bắt đầu thực hiện chi trả tiền thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế (BHYT) và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo, nhằm phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT.

Theo quy định hiện hành, khi có thẻ BHYT, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh.

Mua BHYT, cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, dự phòng và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội… Bà Nguyễn Thị Thơ, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đại Từ cho rằng: Việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả được xem là chính sách mang tính nhân văn của Nhà nước, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV giảm gánh nặng khi điều trị và chữa bệnh.

Dù vậy, đến nay số người nhiễm HIV có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh là 3.144 người (chiếm 84,56% số người đang điều trị ARV và chiếm 63,58% số người có HIV đang được quản lý). Tỷ lệ này cũng có nguyên nhân từ phía người nhiễm HIV và có nguyên nhân từ các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT đối với người nhiễm HIV chưa thật sự phù hợp. Qua trao đổi với một số người nhiễm HIV, chúng tôi nhận thấy, nhiều người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của việc mua BHYT trong điều trị bệnh. Anh L. - người nhiễm HIV, hiện có hộ khêíu thûúâng truá tại xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) nói: Nhà nước sẽ tiếp tục viện trợ thuốc ARV cho chúng tôi. Vì thế, mua BHYT làm gì cho tốn kém.

Thực tế này cho thấy, nhiều bệnh nhân vẫn trông chờ vào viện trợ nên chưa tham gia BHYT. Ngoài ra, quy định về bắt buộc các thành viên trong gia đình (trong đó có gia đình người nhiễm HIV) cùng mua thẻ BHYT trong cùng một thời điểm khiến nhiều người bệnh không thể tham gia. Hơn nữa, không ít người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân nên không thể mua thẻ BHYT.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2188 và Bộ Y tế có Thông tư số 15 về hướng dẫn khám, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Theo đó, ngày 26/10/2018, Bộ Y tế đã có Thông tư số 27 hướng dẫn thực hiện BHYT và khám, chữa bệnh BHYT liên quan đến HIV/AIDS (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) thay thế thông tư số 15 và có những điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có HIV khi tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT). Bên cạnh đó, một văn bản quan trọng là Nghị định số 146 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ 01/12/2018, đã tháo gỡ vướng mắc nêu trên. Cụ thể, thay vì bắt buộc các thành viên trong hộ gia đình của người nhiễm HIV cùng mua thẻ BHYT, thì chuyển thành không bắt buộc. Đây sẽ là giải pháp rất quan trọng để giải quyết tình trạng trên.

Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng, nhất là y tế tuyến xã nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người bệnh, giúp người nhiễm HIV vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình.

BHYT được xác định là xương sống của chương trình điều trị HIV/AIDS, là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch AIDS. Vì lẽ đó, cùng với những giải pháp nêu trên, để chương trình này phát triển bền vững, ngành chức năng của tỉnh nên tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, tạo môi trường thân thiện thông qua thay đổi thái độ, kỹ năng tư vấn, truyền thông của nhân viên y tế với người bệnh, chống phân biệt đối xử, kỳ thị trong cơ sở y tế… Đặc biệt, các địa phương nên coi việc thanh toán thuốc ARV qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS là bắt buộc, không cố níu kéo hay dựa vào nguồn viện trợ.