HIV/AIDS vẫn đang là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân; ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên và lâu dài dưới sự quản lý của chính quyền địa phương và sự tham gia của xã hội, người dân.
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Bế Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên cho biết: Ca bệnh đầu tiên Thành phố phát hiện là vào năm 1996 là nam giới khoảng 27 tuổi (khách vãng lai). Năm 1997, Thành phố tầm soát và phát hiện 28 ca toàn rơi những người trẻ, chủ yếu do nghiện chích ma túy (trong số này có 1 người còn sống). Đến năm 2000, con số này đã lên tới hơn 300 người. Lúc đó, nhiều người nghĩ nếu bị nhiễm HIV thì chỉ có con đường chết. Người bệnh ấu trĩ tới mức là xét nghiệm phải giấu danh tính cho nên một trường hợp bị nhiễm nhưng đi xét nghiệm ở nhiều nơi và mỗi nơi có danh tính, địa chỉ khác nhau, nên đã gây số ảo khá nhiều. Nguyên nhân cũng bởi do họ không tin vào kết quả dương tính với HIV nên đã đi xét nghiệm rất nhiều nơi. Bản thân chúng tôi khi xác minh các ca bệnh cũng rất khổ. Từ năm 2013 trở đi, việc xét nghiệm có danh tính, địa chỉ rõ ràng nên cũng hạn chế được số ảo này.
Tính đến 30-6-2018, toàn Thành phố đã phát hiện 2.269 ca nhiễm HIV, 32/32 xã, phường của Thành phố đều có người nhiễm HIV/AIDS. Hiện, số người nhiễm HIV còn sống và đang được quản lý là 1.450 và 1.435 người đang được điều trị tại các cơ sở điều trị. Tuy nhiên, đối tượng lây nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa, với hơn 80% số người nhiễm trong độ tuổi từ 25-49. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 40-50 ca nhiễm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên đã thực hiện tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS cho 574 người, phát hiện 24 trường hợp nhiễm căn bệnh này. Phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế Thành phố đang thực hiện điều trị ARV cho 471 ca.
Hiện, Thành phố đang tập trung thực hiện các hoạt động liên hoàn nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu: 90-90-90 (90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định). Hoàn thành mục tiêu này là có thể giảm nguy cơ lây truyền trong cộng đồng. Động viên những người nhiễm HIV uống thuốc điều trị ARV liên tục, suốt đời, giúp họ có được cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và hữu ích. Việc tuân thủ điều trị ARV cũng góp phần làm giảm nguy cơ lây truyền HIV, giảm các ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tiếp cận và động viên những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đi xét nghiệm và tham gia điều trị càng sớm càng tốt, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%.