Thời niên thiếu và những năm đầu của tuổi trường thành của cuộc đời là khoảng thời gian có nhiều thay đổi diễn ra, như chuyển trường, sống xa gia đình, bắt đầu học đại học hoặc một công việc mới. Với nhiều người, đây chắc hẳn là quãng thời gian tươi đẹp đầy hứng thú, tuy nhiên đó cũng có thể là thời điểm dồn dập những lo âu và căng thẳng. Trong một số trường hợp, nếu những căng thẳng đó không được nhận biết và xử trí kịp thời, rất có thể những cảm giác đó sẽ dẫn đến rối loạn sức khỏe tâm thần.
Một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14
Theo Tổ chức Y tế thế giới, một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14, nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh thiếu niên. Tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong nhóm độ tuổi từ 15 đến 29. Việc sử dụng rượu và ma túy gây hại trong thanh thiếu niên là vấn đề nổi cộm tại nhiều quốc gia và có thể dẫn đến các hành vi nguy cơ như có quan hệ tình dục hoặc điều khiển phương tiện giao thông không an toàn. Bên cạnh đó, rối loạn ăn uống cũng bắt đầu là một mối lo ngại. Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của UNICEF (2018) về tình hình sức khỏe tâm thần trong trẻ em và thanh niên độ tuổi từ 14 đến 18 thì tỷ lệ̣ trung bình mắc các rối loạn tâm thần của nhóm này là 12%, phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn và tăng động giảm chú ý. Như vậy, ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết, khiến cho một bộ phận các bạn tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần. Tuy nhiên điều này không những không giúp ích trong việc điều trị các rối loạn tâm thần mà còn làm tăng nguy cơ lạm dụng chất dẫn đến phụ thuộc và nghiện.
Sức khỏe tâm thần trong nhóm thanh thiếu niên có sử dụng ma túy
Chia sẻ tại hội thảo Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh niên: Thấu hiểu và hỗ trợ do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức ngày 27/10 tại Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Song Chí Trung, Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV (VHATTC), Đại học Y Dược TP HCM, cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên. Thông thường là sức ép của việc khẳng định bản thân, rủ rê từ bạn bè, bị bạo hành, bị lạm dụng, bố mẹ ly hôn, cuộc sống quá cơ cực.
Hầu hết thanh thiếu niên sử dụng ma túy ban đầu chỉ với mục đích thử nghiệm, sau đó lạm dụng và nghiện. "Do buồn và áp lực cuộc sống nên em tìm đến cần sa để giải muộn phiền. Bây giờ cứ buồn chuyện gì là em lại hút mới thoải mái. Em ước gì gia đình em không giàu có, bố mẹ em không cãi vã nhau, có lẽ em đã không như bây giờ", một bạn trẻ chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Trung, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đã hạn chế người sử dụng ma túy có nhu cầu chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ. Đến 66% người được hỏi nói rằng họ lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy, gần 54% cảm thấy cần thiết phải che giấu tình trạng nghiện của mình.
"Họ càng bị cô lập thì việc chẩn đoán rối loạn tâm thần càng muộn, điều trị bị trì hoãn khiến cho tổn thương ở não bộ khó hồi phục và mất thời gian hơn rất nhiều", bác sĩ Trung cho biết.
Có rất nhiều nguyên nhân đa dạng dẫn đến việc sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên, nhưng thông thường luôn có những lý do “nghiêm túc” đằng sau như: sức ép của việc khẳng định bản thân và thuộc về nhóm bạn bè, bị bạo hành, bị lạm dụng, bố mẹ ly hôn, cuộc sống quá cơ cực. Hầu hết thanh thiếu niên sử dụng ma túy ban đầu chỉ với mục đích thử nghiệm và ngưng sử dụng sau một thời gian, nhưng có một bộ phận sẽ có nguy cơ cao hơn với việc lạm dụng và nghiện ma túy do có chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau: khiếm khuyết bẩm sinh trong hệ thần kinh; di truyền; gen; căng thẳng; trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu; sang chấn tâm lý; rối loạn tâm thần.
Trong một nghiên cứu trên gần 600 thanh thiếu niên có sử dụng ma túy độ tuổi 16 - 24 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh do Dự án Bảo vệ Tương lai thực hiện, cho thấy chỉ riêng với trầm cảm có tới 43% người tham gia cho biết có những dấu hiệu trầm cảm ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng. Các vấn đề rối loạn tâm thần có thể xuất hiện trước (là nguyên nhân) hoặc xuất hiện sau (là hệ quả) việc sử dụng - lạm dụng ma túy ở thanh thiếu niên. Tuy nhiên, cần nhận thức việc điều trị rối loạn tâm thần và điều trị nghiện là không giống nhau bởi đây là hai phạm trù bệnh khác biệt, nhưng nếu chỉ điều trị một trong hai thì kết quả hồi phục sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc điều trị cả hai cùng một lúc.
Dự phòng bắt đầu từ thấu hiểu
Một tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều người nhìn nhận tầm quan trọng của việc hỗ trợ thanh thiếu niên trang bị khả năng phục hồi tâm trí từ những năm tháng đầu đời để có thể đương đầu với các thử thách trong thế giới hiện nay. Ngày càng có nhiều bằng chứng về việc thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe thời niên thiếu không chỉ đem lại lợi ích cho chính thiếu niên đó về ngắn hạn và dài hạn, mà còn ảnh hướng tích cực đến xã hội và nền kinh tế khi những người trưởng thành khỏe mạnh có thể lao động hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Có rất nhiều việc có thể làm giúp xây dựng tính dẻo dai về tinh thần cho trẻ em và thiếu niên để phòng chống các căng thẳng và bệnh lý về tâm thần cho các em, cũng như để xử trí và phục hồi sau khi mắc các bệnh về tâm thần. Dự phòng bắt đầu từ việc nhận thức và hiểu những triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo sớm của các bệnh lý tâm thần. Cha mẹ và thầy cô giáo có thể giúp trang bị các kĩ năng sống của trẻ em và thiếu niên để các em có thể tự xoay sở được với những thách thức tại trường học và gia đình. Hỗ trợ tâm lý có thể được cung cấp tại trường học hoặc các cơ sở cộng đồng khác và không thể thiếu việc nâng cao hoặc mở rộng đào tạo năng lực cho nhân viên y tế để họ có thể phát hiện và xử trí các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Đầu tư từ chính phủ và sự tham gia của các khu vực xã hội, y tế và giáo dục trong các chương trình can thiệp lồng ghép dựa trên bằng chứng mang tính toàn diện về sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên là vô cùng cần thiết. Các đầu tư này nên kết nối với các chương trình nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên cách chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bản thân, cũng như dạy cho các em cách hỗ trợ bạn bè cùng trang lứa, cho phụ huynh và giáo viên hỗ trợ con em mình.
Cô lập và trừng phạt không phải là giải pháp
Kỳ thị và phân biệt đối xử có tác động một cách tiêu cực đến quá trình điều trị và hồi phục của người sử dụng ma túy nói chung và đặc biệt đối với thanh thiếu niên nói riêng. Theo dự án Bảo vệ tương lai, các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy thường xuyên bị gia đình, hàng xóm và bạn bè kỳ thị, coi thường hoặc miệt thị. Các tin tức và hình ảnh tiêu cực về người sử dụng ma túy trên truyền thông như thường xuyên gắn với tình trạng “ngáo đá”, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp, giết người v.v…cũng là những định kiến có tác động không nhỏ tới thanh thiếu niên có sử dụng ma túy. Có đến gần 60% tự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh khi biết tình trạng sử dụng ma túy của họ, hơn 40% trong số các bạn thường xuyên cảm thấy cô đơn và có ý định tự tử. Chính vì thế, kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cận hỗ trợ của các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy, khi có đến 65.9% lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy và 53.8% cảm thấy cần thiết phải giấu tình trạng. Hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị - phân biệt đối xử trên thanh thiếu niên có vấn đề về sử dụng ma túy và mắc rối loạn tâm thần, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ việc bị kỳ thị kép khiến các em càng khép kín và bế tắc hơn. Càng bị cô lập thì việc chẩn đoán các rối loạn sẽ càng muộn, điều trị sẽ bị trì hoãn, khiến cho những tổn thương do nghiện ma túy và rối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất nhiều thời gian hơn rất nhiều.
Gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của lạm dụng ma túy và rối loạn tâm thần khi và chỉ khi tạo được một mối quan hệ chân thành, một không gian an toàn để các bạn thanh thiếu niên có thể tin tưởng và cảm thấy thoải mái chia sẻ các vấn đề của mình. Các bạn có thể tham gia điều trị đã tốt, nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh trong toàn bộ quá trình hồi phục của người nghiện ma túy và/hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần và luôn cần sự đồng hành lâu dài của gia đình, bạn bè và cộng đồng.