Hành động và hướng tới mục tiêu

10:43, 03/12/2018

“Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” là chủ đề hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ 10-11 đến 10-12) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12). Năm nay là năm thứ 5 liên tiếp, Việt Nam thực hiện mục tiêu 90-90-90 (có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác).

Từ tháng 5-2018, Thái Nguyên là 1 trong 11 tỉnh trong toàn quốc thực hiện mục tiêu 90-90-90, theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Là Cơ quan thường trực, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) đã triển khai các nội dung hoạt động thực hiện mục tiêu này. Trung tâm đã tiến hành đồng loạt các hoạt động: Thực hiện tốt công tác truyền thông sẵn có, tiện lợi từ các xã phường, các cơ sở y tế và sự phối hợp của các nhóm cộng đồng triển khai các dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nguy cơ tiếp cận dịch vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hiện có để bảo đảm người nhiễm HIV được điều trị và tuân thủ điều trị ARV; bảo đảm cung ứng thuốc cho người bệnh. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, các cơ sở y tế cam kết triển khai đồng loạt mục tiêu này trong đó ưu tiên những huyện, thành có số người nhiễm HIV cao là: T.P Thái Nguyên, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương.

Theo ông Trương Bình Minh, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thì mục tiêu có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là khó thực hiện nhất. Tính đến thời điểm 31/10/2018, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh là 10.101 người.  Thế nhưng trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 người trong cộng đồng chưa biết mình bị nhiễm HIV hoặc  biết mình bị nhiễm nhưng chưa đến với dịch vụ xét nghiệm sàng lọc. Họ sẽ có thể “vô tình” là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng. Họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu 90-90-90, chúng ta phải nâng cao nhận thức của người dân bằng cách đẩy mạnh công tác truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông qua các câu lạc bộ, nhóm để những người có hành vi nguy cơ cao biết được lợi ích của xét nghiệm sàng lọc HIV, biết được tình trạng nhiễm HIV của mình để sớm tiếp cận điều trị; lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV; lợi ích của việc tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 90-90-90 chỉ cam kết không là không đủ mà cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, việc thực hiện tốt các mục tiêu 90-90-90 không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng mà cả với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

KHẨU HIỆU CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS

Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!

Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính mình và người thân!

Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần! 

Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác!

Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời!

Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!

Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và người thân!

Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!

Methadone – Liều thuốc vàng cho người nghiện ma túy!

Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!

Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2018!

Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018!