“Tôi đã nhiều lần muốn kết thúc cuộc sống này để khỏi phải gánh chịu sự kỳ thị định kiến của những người xung quanh. Mỗi lần xuất hiện đâu đó, nhiều người cố ý tránh tôi, ngay cả những người thân thích nhất trong gia đình cũng trở nên khách sáo khi biết tôi bị nhiễm HIV. Nhưng tôi nghĩ đến các con tôi, những đứa trẻ ngây thơ vô tội, không bệnh tật, lẽ nào phải chịu chung số phận oan nghiệt như vậy. Và tôi đã ôm chặt các con vào lòng, kìm nén những cay cực thị phi, lắng nghe bác sĩ tư vấn để có một cuộc sống mạnh khỏe như hôm nay”. Đó là tâm sự của chị Hoàng Thị Lan, người phụ nữ hơn 11 năm chung sống với HIV.
Một mùa ổi bội thu lại về với gia đình chị Hoàng Thị Lan ở xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên). Hơn 1.000 gốc ổi đang độ cho thu hoạch trĩu cành như níu giữ chân khách. Chị Lan tất bật đóng gói, giao hàng cho khách gần, xa, điện thoại liên tục hối thúc chuyển hàng kịp chuyến xe. Quá 12 giờ trưa chị mới nghỉ tay tiếp chúng tôi. Chị vào chuyện hồ hởi: “Bốn năm nay, nhờ cây ổi mà gia đình ổn định cuộc sống, thu nhập bình quân đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng. Cũng từ cây ổi mà 5 nhân khẩu gia đình tôi thoát nghèo được 6 năm rồi. May là có sức khỏe để làm vườn, chứ không, giờ mấy mẹ con chắc đã lang thang cơ nhỡ…”. Nói rồi chị lắng giọng và trầm xuống khi nghĩ về những gì đã trải qua trong suốt quãng thời gian gần chục năm bị kỳ thị, phân biệt khi mang trong mình dòng máu có vi rút HIV.
Chị rơm rớm nước mắt xúc động kể: “Nhà nghèo, chồng đi làm ăn xa tận Quảng Nam, Đà Nẵng từ những năm 2000-2003, bỏ lại ba mẹ con tự lo việc đồng áng. Bấy giờ cô con gái cả của chị mới được 10 tuổi, cậu con trai mới 7 tuổi nên chưa thể giúp chị được gì nhiều. Rồi năm 2007, chồng chị bị tai nạn và mất ngay sau đó. Mọi người trong gia đình chung tay giúp đỡ mấy mẹ con… Nhưng cũng ngay sau đó, tôi nhận thông báo chồng mình bị nhiễm HIV. Gia đình lập tức đưa tôi đi thử máu. Đó là một ngày cuối Đông năm 2007, tôi dường như không còn thấy gì xung quanh khi cầm tờ giấy báo kết quả mình lây nhiễm HIV. Nhiều lần tôi đã tìm cách để theo chồng”.
Chị lặng ngồi, rồi nở nụ cười tươi khi hai cháu nội ùa vào lòng. Chị giấu đi những xúc động và nói tiếp: “Khi đó các con tôi đến, chúng ôm lấy mẹ. Bọn trẻ đã truyền sức mạnh cho tôi. Tôi thầm nhủ: Sẽ phải sống vì các con, hãy vì con mình trước!”
Sau gần 3 tháng kể từ ngày biết mình bị HIV, tôi từ 50kg giảm xuống còn hơn 30kg. Nhưng tôi nghĩ: “Mình ốm do tư tưởng, chứ không thể do bệnh tật. Hãy cố gắng vươn lên vì các con”.
Thế rồi chị Lan đã đến xã, đến từng nhà trong xóm Thanh Chử nói với mọi người về tình trạng bệnh của mình và sức khỏe của hai con. Khi đó, mọi người chưa hiểu biết đầy đủ về phòng, chống HIV, nên vẫn bị kỳ thị. Những lần sinh hoạt tập thể tại địa phương, tôi đã nhờ bác sĩ, nhờ anh, chị em trong Câu lạc bộ Hoa Hướng dương đến tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư. Mưa dầm thấm sâu, dần dần mọi người hiểu và san sẻ tình cảm, dành tình thương cho các con tôi. Các cháu khôn lớn, trưởng thành, xây dựng gia đình riêng, được họ hàng thông gia cảm thông. Nhưng điều mà ai cũng dễ chia sẻ là bản thân phải có nghị lực, phải thật thà bước ra khỏi những hoài nghi thì mới có thể tìm được sự đồng cảm.
Giờ đây, chị Lan đang đảm nhận nhiệm vụ giúp 3 đối tượng nhiễm HIV tại địa phương hòa nhập cộng đồng. Chị gần gũi, sẻ chia với họ như người thân trong gia đình, động viên họ thực hiện đúng phác đồ điều trị của cơ quan y tế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế gia đình. Chị Lan cho biết: “Muốn chiến thắng bệnh tật thì việc đầu tiên phải thắng được chính bản thân mình trước những khó khăn; phải có một thái độ trung thực, dũng cảm và công khai với cộng đồng, như vậy mới tránh được hoài nghi và giúp cộng đồng có thêm kiến thức, biện pháp phòng, chống HIV/AIDS”.
Với hơn chục năm chung sống với H, nhưng chi Lan và gia đình vẫn mạnh khỏe, hạnh phúc và an toàn. Đây chính là kinh nghiệm và biện pháp chung tay phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả cần được nhân rộng trong cộng đồng dân cư.