“Tôi không cô đơn”

08:49, 25/02/2019

Chị choáng váng, ngã gục xuống sàn nhà, chị cảm nhận trong cơ thể có hàng triệu con vi rút đang chen nhau gặm nhấm, hút máu. Chị về Hà Nội, đến Viện Huyết học Trung ương làm xét nghiệm máu tự nguyện. Chị kể: Tôi biết mình khó thoát “lưỡi hái tử thần”, nhưng tôi vẫn làm xét nghiệm để tận mắt trông thấy kết quả không mong muốn.

Trên suốt dọc đường từ Hà Nội về Thái Nguyên, chị lặng lẽ như một người mất hồn. Cho tới lúc có người hỏi: Chị về đâu, sao không xuống xe? Chị giật mình nhận ra xe đã về tới bến, mọi người đã xuống hết. Chị vội vã vơ chiếc túi hành lý của mình, thẫn thờ. Chồng đi vắng, nhà có mẹ chồng và con gái 4 tuổi đang đợi chị.

Chuyện xảy ra với chị Nguyễn Thị Hà, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) từ hơn 10 năm nay. Với chị, đó là tháng ngày buồn tủi nhất. Nhất là lúc đưa con gái đi xét nghiệm, cháu cũng có kết quả dương tính với HIV. Từ ngày biết chị bị lây nhiễm HIV, anh Tuấn, chồng chị bỏ nhà với lý do đi làm ăn xa. Nhà còn “3 người đàn bà”, gồm mẹ chồng ngoài 70 tuổi và 2 mẹ con chị Hà. Qua câu chuyện chúng tôi được biết thêm: 10 năm về trước, nói đến HIV/AIDS, nhiều người sợ không dám đến gần chị. Ngay cả anh em trong họ bên chồng còn xa lánh, vì sợ bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Lúc đó chị phải “gồng mình” lên để sống, nuôi con, nuôi mẹ chồng. Chị kể: Khi biết tôi bị lây nhiềm HIV từ chồng, các anh chị thành viên Nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” và Câu lạc bộ “Hoa hướng Dương” đã đến nhà chia sẻ, động viên.

Chị gượng dậy, bước ra khỏi nhà với công việc của một người thợ may. Còn mẹ chồng ở nhà trông cháu. Chị tâm sự: Nhờ có tay nghề giỏi, nên biết tôi bị lây nhiễm HIV, cơ sở sản xuất vẫn nhận tôi vào làm việc lại. Tuy nhiên nhiều chị em cùng chỗ làm việc lo sợ, lỡ tôi bị kim đâm vào tay, dây máu ra không dám ngồi gần. Một số khách hàng đến đặt may trang phục đã đề nghị với chủ cơ sở không để tôi dính dáng đến đồ của họ. Do được các anh chị đồng cảnh tư vấn trước, nên tôi không phật ý, mà nhận nhịn làm việc để kiếm tiền nuôi cả nhà. Chủ cơ sở cho tôi may hàng gia công, và bố trí cho tôi ngồi làm việc ở một góc khuất. Chị thấy vui khi mỗi ngày được nhìn khách hàng thoải mái, phấn khởi trong bộ quần án do tay mình làm.

Thời gian như phương thuốc nhiệm màu, trong chị như không vướng bận đến căn bệnh HIV. Những bạn đồng nghiệp cảm thông, không còn mặc mặc cảm, kỳ thị và gần gũi, chia sẻ. Chị sống lành mạnh, hằng ngày uống thuốc ARV đúng giờ, nên không bị đau ốm. Và nhờ có tay nghề vững, chị được chủ cơ sở trả lương 8 triệu đồng/tháng, có tháng được 10 triệu đồng. Những lần mẹ chồng, hoặc con gái bị ốm đi viện, mọi người làm cùng đều đến thăm nom, động viên. Mỗi lần thấy mọi người đến thăm, cho quà, mẹ chồng chị lại rơm rớm nước mắt, cảm động nói: Con trai hư hỏng, nên mẹ nghìn lần có lỗi với con dâu.

Trong khi trò chuyện với chúng tôi, chị luôn mỉm cười, song thỉnh thoảng lại nén giấu giọt nước mắt trực lăn trên khuôn mặt. Tôi biết: Chị là một người đàn bà giàu nghị lực, vượt nên nỗi đau HIV để sống tốt cho chính mình. Hơn thế, chị luôn biết quan tâm, chia sẻ với những người đồng cảnh. Dù công việc bận rộn, nhưng khi trong nhóm “Vì ngày mai tươi sáng”, hoặc thành viên Câu lạc bộ “Hoa Hướng Dương” bị đau ốm, chị cùng bạn bè đến thăm nom, giúp đỡ, động viên. Vì chị biết: Sự cô đơn sẽ làm cho con người ta mất đi niềm tin yêu cuộc sống. Và chị đứng vững giữa cuộc đời cũng bởi tình bạn, tình yêu thương của mọi người trong cộng đồng xã hội dành cho mình.

Tận khi chia tay, chị bảo: Tôi không cô đơn, vì quanh tôi có rất nhiều người tốt.