Điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine

16:05, 23/04/2019

Các nghiên cứu trong hơn hai thập kỷ vừa qua đã chứng minh được độ an toàn và hiệu quả của Buprenorphine trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP).

Theo Cục Quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (Shamsha), sử dụng nhiều lần các thuốc đồng vận (CDTP) dẫn đến lệ thuộc thuốc và gây ra hiện tượng dung nạp.

Lệ thuộc thuốc về mặt thể chất có biểu hiện rõ thông qua hội chứng cai và các biểu hiện do hiện tượng giảm, ngừng hoặc mất hoạt tính của chất tại các thụ thể. Ngược lại, nghiện, là các rối loạn về hành vi có đặc điểm lệ thuộc vào chất gây nghiện thông qua nỗ lực cố gắng tìm kiếm hoặc sử dụng dù biết nó có hại về xã hội, tâm trí, và/hoặc thể chất. Nghiện CDTP thường, nhưng không phải luôn luôn, có đủ các biểu hiện kết hợp hiện tượng dung nạp, lệ thuộc thuốc và các hội chứng cai.

Hơn 20 năm trước đây, Buprenorphine đã được xác định là một loại thuốc có khả năng được sử dụng trong điều trị duy trì cho người nghiện CDTP. Các nghiên cứu trong hơn hai thập kỷ vừa qua đã chứng minh được độ an toàn và hiệu quả của Buprenorphine trong điều trị. Tại Hoa Kỳ, việc ban hành Đạo luật DATA 2000 đã giúp cho các bác sỹ có thể đề xuất sử dụng các loại thuốc chiết xuất từ Buprenorphine trong điều trị nghiện CDTP.

Buprenorphine chiếm giữ các thụ thể CDTP nhờ ái lực mạnh vì vậy nó chặn tác động của các chất đồng vận toàn phần. Buprenorphine phân ly chậm khỏi thụ thể CDTP. Do vậy, Buprenorphine cho phép dùng hàng ngày hoặc thưa hơn, có thể chỉ sử dụng thuốc 3 lần một tuần như một số nghiên cứu đã cho thấy.

Theo Hướng dẫn lâm sàng về sử dụng Buprenorphine của Shamsha, điều trị duy trì bằng Buprenorphine cho người nghiện CDTP bao gồm 3 giai đoạn: Dò liều; ổn định và duy trì.

Dò liều là giai đoạn đầu tiên của điều trị bằng Buprenorphine bao gồm việc giúp đỡ bệnh nhân chuyển từ lạm dụng CDTP sang dùng Buprenorphine. Mục đích của giai đoạn Dò liều là tìm ra liều Buprenorphine tối thiểu để bệnh nhân ngừng hoặc giảm đáng kể việc sử dụng CDTP và không gặp các triệu chứng cai, giảm thiểu các tác dụng phụ và không có biểu hiện thèm nhớ. Khuyến cáo rằng việc sử dụng phối hợp thuốc Buprenorphine/ Naloxone có thể thực hiện trong giai đoạn Dò liều (và cho cả giai đoạn Ổn định và duy trì) với hầu hết bệnh nhân. Hội đồng cũng khuyến cáo thêm rằng những liều đầu tiên trong giai đoạn Dò liều cần được giám sát; những liều sau đó có thể được cho qua kê đơn.

Để giảm thiểu nguy cơ vã thuốc đột ngột, bệnh nhân chuyển từ các CDTP có tác động dài hạn (ví dụ, methadone, morphine phóng thích chậm, oxycodone phóng thích chậm) sang Buprenorphine cần được khởi liều bằng phác đồ đơn trị liệu Buprenorphine, nhưng sẽ chuyển sang phác đồ phối hợp thuốc Buprenorphine/ Naloxone ngay sau đó. Do nguy cơ gây vã thuốc đột ngột của naloxone ở bà mẹ và thai nhi, phụ nữ mang thai thích hợp với điều trị bằng Buprenorphine cần được khởi liều và duy trì bằng phác đồ đơn trị liệu Buprenorphine.

Giai đoạn Ổn định được bắt đầu khi bệnh nhân không có biểu hiện của Hội chứng cai, có ít hoặc không có biểu hiện tác dụng phụ và có thể kiểm soát được việc thèm thuốc đồng vận CDTP. Có thể cần điều chỉnh liều trong thời gian đầu của giai đoạn này, và việc thường xuyên tương tác với bệnh nhân có thể làm tăng tuân thủ điều trị.

Giai đoạn dài nhất là giai đoạn điều trị duy trì bằng Buprenorphine. Thời gian điều trị duy trì có thể khó xác định. Trong giai đoạn này, cần lưu ý các vấn đề tâm lý xã hội và gia đình mà đã được xác định là có ảnh hưởng đến lạm dụng chất gây nghiện của bệnh nhân.

Chỉ điều trị bằng thuốc là chưa đủ trong điều trị nghiện. Với đa phần bệnh nhân, tư vấn về lạm dụng chất gây nghiện - cá nhân hoặc theo nhóm và tham gia vào chương trình tương hỗ là những cấu phần quan trọng của điều trị nghiện toàn diện.

Một phần của tập huấn điều trị nghiện CDTP là các bác sỹ cần đạt được kiến thức tối thiểu về các can thiệp ngắn giúp bệnh nhân khi tái nghiện. Bác sỹ điều trị nghiện cần phải đảm bảo tư vấn cho người bệnh hoặc giới thiệu đến các chuyên gia tâm lý uy tín. Thực tế, Đạo luật DATA 2000 quy định rằng khi bác sỹ đăng ký với SAMHSA để tiến hành điều trị nghiện ngoài các cơ sở điều trị nghiện, họ phải chứng minh được khả năng chuyển gửi bệnh nhân đến cơ sở tư vấn phù hợp và hiểu được các liệu pháp không dùng thuốc khác.

Bệnh nhân và các bác sỹ cần cùng nhau thống nhất mục tiêu điều trị và xây dựng kế hoạch điều trị dựa trên vấn đề và nhu cầu cụ thể của bệnh nhân. Trong giai đoạn điều trị ổn định, thời gian đầu bệnh nhân điều trị duy trì cần được khám ít nhất một lần mỗi tuần. Khi đã có liều điều trị Buprenorphine ổn định và các xét  nghiệm  thể hiện bệnh nhân không còn sử dụng ma túy, bác sỹ có thể quyết định giảm số lần khám (hai tuần hoặc một tháng một lần).

Ngày 19/9/2018, Bộ Y tế Việt Nam đã ra Quyết định 5595/QĐ-BYT về phê duyệt kế hoạch triển khai điểu trị bằng Buprenorphine giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, tổ chức đi khảo sát, đánh giá việc chuẩn bị triển khai điều trị tại Nghệ An và Sơn La trong tháng 11/2018; tháng 12 tổ chức đánh giá tại Điện Biên. Cuối tháng 1/2019 thuốc Buprenorphine về và đầu tháng 2/2019 ngành khởi liều cho bệnh nhân điều trị Buprenorphine.

Buprenorphine có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Theo báo cáo của nhiều nước trên thế giới, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine có hiệu quả đáng ghi nhận trong việc giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Được sử dụng để điều trị duy trì nghiện chất dạng thuốc phiện từ năm 1995: Như Pháp (năm 1995), Úc (năm 2000), Hoa Kỳ (năm 2009); được WHO đưa vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005.