Toàn tỉnh hiện có trên 4.800 người nghiện có hồ sơ quản lý, tạo áp lực khá lớn trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy và đảm bảo trật tự xã hội. Trong khi đó, việc thực hiện các trình tự, thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc vẫn gặp không ít khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là công tác xác định người nghiện ma túy. Hiện nay, việc chẩn đoán xác định người nghiện ma túy theo quy định tại Quyết định số 5075/QĐBYT, Quyết định số 3556/QĐ-BYT, Thông tư số 17/2015/TTLT-BYTBLĐTBXH-BCA chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo tình trạng nghiện. Trong khi trên thực tế, nhiều người nghiện ma túy và thậm chí cả gia đình của họ thường che giấu thông tin, tình trạng nghiện hay các triệu chứng lâm sàng. Chưa kể đến việc hầu hết người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine trong vòng 3 ngày thường không có biểu hiện lâm sàng về hội chứng cai. Một số trường hợp lúc đầu xét nghiệm nước tiểu dương tính với ma túy, nhưng sau 24 giờ vào trung tâm, xét nghiệm nước tiểu lại có kết quả âm tính với ma túy nên không đủ điều kiện để kết luận họ nghiện ma túy.
Khó khăn thứ hai là về thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Ông Hà Biên Cương, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: Trước đây, quy trình, thủ tục đưa người nghiện vào cơ cở cai nghiện ma túy bắt buộc khá đơn giản. Chỉ cần có hồ sơ quản lý đối tượng nghiện của cơ quan công an và quyết định của chủ tịch UBND cùng cấp là có thể đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, từ năm 2014, khi áp dụng Nghị định số 221 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì việc cai nghiện, quản lý người nghiện gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, số đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc tại Trung tâm giảm khoảng 30-50% so với giai đoạn trước đây.
Với việc áp dụng Nghị định số 221 của Chính phủ, hiện nay, để đưa người vào trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc phải có quyết định của tòa án sau khi qua các bước thẩm tra của các đơn vị: Công an, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội nên mất rất nhiều thời gian. Trong khi chờ có quyết định chính thức từ tòa án, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở quản lý nhưng không phải ở địa phương nào cũng có nhà lưu giữ nên việc quản lý đối tượng nghiện trong giai đoạn thẩm tra rất khó khăn. Năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 1.415, trong đó, chỉ có 386 người đủ điều kiện cai nghiện bắt buộc. Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin thêm: Nghị định số 221 đề ra quy định không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng đang cai nghiện ma túy tại cộng đồng và đối tượng đang điều trị bằng Methadone. Điều này đã và đang tạo ra kẽ hở khi đối tượng nghiện đăng ký tham gia điều trị Methadone để “trốn” cai nghiện bắt buộc.
Một khó khăn nữa liên quan đến công tác cai nghiện bắt buộc là hiện nay, Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đặc biệt là việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, đưa đối tượng nghiện ma túy vị thành niên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người nghiện áp dụng các hình thức cai nghiện, đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nghiện sau cai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác cai nghiện nhất là cai nghiện bắt buộc vẫn tồn tại nhiều bất cập về chính sách, quy định pháp luật cần được tháo gỡ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan chuyên môn cấp trên để sớm có biện pháp “gỡ nút thắt” trong các quy định pháp luật về cai nghiện bắt buộc để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy. Qua đó, góp phần giảm số lượng người nghiện ma túy, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.