Hiện N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi giải thích từ ngữ về Chất hướng thần trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có cơ sở bổ sung khí N2O và các chất tương tự vào danh mục các chất ma túy và tiền chất trong Nghị định của Chính phủ.
Cô gái trẻ liệt nửa người vì hít bóng cười
Ngày 13/5, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đang cấp cứu cô gái trẻ nhập viện vì liệt nửa người dưới do tác động của việc lạm dụng bóng cười.
Bệnh nhân là N.H.N (26 tuổi, Sơn La) cho biết cô sử dụng bóng cười (khí N20) lần đầu tiên vào năm 2018, khi tham gia một buổi liên hoan cùng nhóm bạn cũ. Sau vài lần hít bóng, tần suất tăng dần lên khiến N. rơi vào cơn nghiện lúc nào không hay.
Khoảng 1 năm trở lại đây, N. hít nhiều và thường xuyên hơn. N. và bạn bè thường tập trung 5 - 6 người chơi thâu đêm. Ngày nào ít thì hít khoảng 10 quả bóng cười, còn ngày nhiều thì… không kể hết. N. cho biết cô và bạn bè thường tự mua bình về bơm, mỗi đêm dùng từ 4 - 5 bình.
Theo N. mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, việc hít bóng cười khiến cô cảm thấy vui vẻ, phấn chấn hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian, N. nhận ra, bóng cười không khác gì heroin. Nếu không hít bóng đều đặn, đúng giờ thì cơ thể sẽ co giật, tím tái, toát mồ hôi hột và chân tay bủn rủn.
Cách đây hơn 1 tháng, nhận thấy độ nguy hiểm của khí N20, N. quyết định “cai bóng”. Chỉ 10 ngày sau đó, cô gái trẻ bắt đầu có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và sốt nhẹ. Dù vậy, N. hoàn toàn không nghĩ đây là ảnh hưởng của bóng cười gây ra.
Sau đó N. đi lại không vững, chân mềm nên liên tục loạng choạng và té ngã. N. đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân.
Các bác sĩ chỉ chẩn đoán bị trào ngược dạ dày và thiếu máu lên não, cho truyền thải độc tại nhà nhưng không cải thiện. Sau đó, N. tiếp tục đi châm cứu khoảng chục ngày và kết quả chân tay mềm oặt. Nửa thân dưới liệt hẳn, không thể nhúc nhích.
Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, N. được chẩn đoán “ngộ độc khí N20”. Khi nhập viện, bệnh nhân không thể đi lại dù có người dìu đỡ, ăn uống mất cảm giác, cơ thể mệt mỏi, tay tê bì.
Nguy hiểm nhưng lại không có trong danh mục ma túy và tiền chất?
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi chụp cộng hưởng từ cho bệnh nhân, kết quả hình ảnh cho thấy tổn thương não và tổn thương tủy sống rất đặc trưng của các ca ngộ độc khí N20. Những tổn thương này khiến bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác và dẫn tới yếu cơ, liệt chi.
Thời gian qua, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên cấp cứu các ca ngộ độc do bóng cười. Các bệnh nhân này chủ yếu là thanh niên, sử dụng “bóng cười” trong thời gian dài, nhập viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, tê bì, liệt chân tay và thậm chí cơ hô hấp có biểu hiện bị ảnh hưởng. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai phải điều trị nhiều trường hợp ngộ độc khí N2O mạn tính trên cơ thể như tổn thương dây thần kinh, tổn thương tủy sống, tổn thương não.
Về cơ chế tác dụng trên cơ thể, khí N2O có chung với chất ma túy heroin về các vị trí đích tác dụng trên hệ thần kinh, tâm thần. Ở tất cả các bệnh nhân lạm dụng bóng cười trong quá trình sử dụng đều tăng dần liều lượng để đạt cảm giác “phê”. Ban đầu người dùng mỗi lần có thể dùng một vài quả bóng, sau tăng dần, phần lớn về sau mỗi lần sử dụng đến hết cả bình khí nén.
Năm 2019, Bộ Y tế đã có văn bản khuyến cáo tác hại và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, lưu hành khí N2O; nhất trí với đề nghị của UBND Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh.
Tuy nhiên, N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương, cụ thể: N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm.
Trước thực trạng ngày càng nhiều thanh thiếu niên sử dụng bóng cười cùng với đó là các quy định pháp luật, chế tài xử lý đối với vi phạm của cơ sở kinh doanh bóng cười chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường quản lý, kiểm soát khí N2O (khí cười).
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng khí N2O trong lĩnh vực y tế; nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người để cung cấp cho các cơ quan truyền thông và kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N2O; khẩn trương rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để thống nhất biện pháp quản lý, quy định đầy đủ hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính bảo đảm tính răn đe.
Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi giải thích từ ngữ về Chất hướng thần trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có cơ sở bổ sung khí N2O và các chất tương tự vào danh mục các chất ma túy và tiền chất trong Nghị định của Chính phủ; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh khí N2O; đôn đốc, phối hợp với các Bộ, cơ quan thực hiện các nhiệm vụ trên, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2020.