Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Theo đó, chuyển chất số 398 thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện từ Danh mục IID sang Danh mục ID.
Bổ sung các chất vào Danh mục II “Các chất ma túy đưọc dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”
Cụ thể, bổ sung 26 chất ma túy vào danh mục IIC "Các chất và muối có thể tồn tại của các chất này" trong Nghị định số 73/2018/NĐ-CP của Chính phủ như: 2-fluorodeschloroketamine (Fluoroketamine), 4F-MDMB-BINACA (4F-MDMB-BUTINACA), 5F-MDMB-PICA (5F-MDMB-2201, MDMB-2201), Acetylpsilocine (Psilacetine, 4-AcO DMT), MMB-022 (MMB-4en-PICA), MMB-FUBICA (AMB-FUBICA), Benzylone, Eutylone (bk-EBDB; N-Ethylbutylone)…
Bỏ 3 chất ma túy ra khỏi danh Danh mục IIC là MMB-PINACA, FUB-AMB, MMB-PICA. Đồng thời bổ sung mã CAS của 40 chất trong Danh mục IIC “Các chất và muối có thể tồn tại của các chất này”.
Bổ sung 2 chất vào Danh mục III “Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” như sau: Nhóm Benzodiazepines: Flualprazolam, Etizolam.
Bổ sung 13 tiền chất vào Danh mục IVA "Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy", như: 3,4-MDP-2P-methylglycidate (PMK glycidate), 3,4-MDP-2P-methylglycidic acid (PMK glycidic acid), Alpha-phenylacetoacetamide (APAA)…
Theo Bộ Công an, trước tình hình phức tạp và gia tăng sự lạm dụng các chất ma túy tổng hợp mới xuất hiện ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, tại các phiên họp thường niên của Ủy ban kiểm soát ma túy - Liên Hợp quốc, các nước thành viên đã thống nhất đưa một số chất ma túy tổng hợp và tiền chất mới vào Danh mục kiểm soát quốc tế. Với trách nhiệm là quốc gia thành viên tham gia 3 Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy của Liên Hợp Quốc, Việt Nam có nghĩa vụ pháp lý phải kiểm soát các chất này.
Tại Việt Nam, tình hình ma túy diễn biến phức tạp, các chất ma túy tổng hợp ngày càng bị lạm dụng và có chiều hướng gia tăng. Tại một số địa bàn trọng điểm ở nước ta đã xuất hiện nhiều chất gây nghiện, chất hướng thần mới có tác hại như các chất ma túy nhưng chưa được quy định trong danh mục kiểm soát dẫn đến việc thiếu căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù chúng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Từ đó, hệ thống lại danh mục, bổ sung vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất ma túy theo 3 Công ước quốc tế về ma túy, kịp thời đưa vào danh mục quản lý những chất gây nghiện, chất hướng thần mới có tác hại như các chất ma túy xuất hiện ở Việt Nam và đã được cơ quan chuyên môn giám định.
Các Danh mục được bổ sung kịp thời, chính xác, khoa học sẽ góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy đồng thời phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội.