Nhờ sự bền bỉ, bài bản và quyết tâm, công tác phòng chống đại dịch HIV/AIDS của Việt Nam trong 30 năm qua đã đạt được những thành quả vượt bậc. Đáng chú ý, nước ta nằm trong 4 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ bệnh nhân đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (lên tới 96%). Điều này cũng có nghĩa, nếu được phát hiện bệnh và tuân thủ phác đồ điều trị, cứ 100 người thì có 96 người không có khả năng lây truyền cho người khác qua đường tình dục.
HIV không còn là án tử
Các nghiên cứu khoa học đã đưa ra bằng chứng: “Một người uống thuốc kháng virus (ARV) hằng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính”. Tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu được xác định là ngưỡng không phát hiện. Bằng chứng khoa học này được gọi là “Không phát hiện = Không lây truyền”.
Trên thế giới đã có sự đồng thuận rất lớn và rộng rãi về thông điệp K=K. Hiện đã có 895 tổ chức từ 98 quốc gia trên thế giới chia sẻ thông điệp K=K và thông điệp này. Thông điệp này đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ, bao gồm U=U theo tiếng Anh; K = K theo tiếng Việt, N = N theo tiếng Hà Lan; B = B theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và I = I theo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha.
Tại Việt Nam, thông điệp K=K đã được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế xem xét các bằng chứng khoa học và đồng ý với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và UNAIDS cũng như sự đồng thuận rộng rãi, ngày càng tăng trên toàn cầu về K=K là: Khi điều trị ARV liên tục để đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, định nghĩa là dưới 200 bản sao/ml máu, sẽ không làm lây truyền HIV qua đường tình dục.
Chiến dịch truyền thông K=K nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và người nhiễm HIV, người cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS về nội dung và ý nghĩa của thông điệp: Không phát hiện = Không lây truyền. Từ đó làm thay đổi về quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh “vô phương cứu chữa” mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được.
Những bệnh nhân HIV/AIDS khi tuân thủ điều trị tốt, họ sẽ sống một cuộc sống bình thường, được quyền mưu cầu hạnh phúc, được kết hôn và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Đó cũng là ý nghĩa nhân văn của K=K, một chiến dịch mà Bộ Y tế và Sở Y tế các địa phương đang đẩy mạnh truyền thông thời gian gần đây.
K=K, nếu được hiểu một cách thấu đáo, tường tận, sẽ giải tỏa tinh thần cho cả xã hội. Về phía bệnh nhân, họ tìm được một điểm tựa vững chắc để đặt niềm tin vào việc điều trị, hướng tới tương lai, thay vì mặc cảm, giấu giếm tình trạng sức khỏe.
K=K giúp người nhiễm HIV bớt mặc cảm, tự ti
Tại tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, chiến dịch truyền thông K=K đang được đẩy mạnh, tuyên truyền tích cực tại các cơ sơ y tế tuyến tỉnh. BS Vương Thế Linh, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương cho biết, việc tuyên truyền chiến dịch K=K giúp cho những người nhiễm HIV thay đổi cách suy nghĩ về căn bệnh đã từng bị coi là căn bệnh thế kỷ. Hiểu rõ chiến dịch này, những bệnh nhân nhiễm HIV tuân thủ điều trị thuốc theo quy định, hướng dẫn của ngành Y tế thì sức khỏe của họ sẽ được cải thiện rất tốt và không còn nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Điển hình là trường hợp của vợ chồng chị T. T. H, 32 tuổi, trú tại Thuận An, Bình Dương, phát hiện nhiễm HIV từ năm 2013. Sau khi được tư vấn từ các bác sĩ về K=K, tức nếu tuân thủ điều trị và đạt kết quả tốt, tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, không có khả năng lây truyền HIV qua đường tình dục, vợ chồng chị Hiền đã nhận thức rõ hơn về căn bệnh HIV, đồng thời bớt mặc cảm, tự ti.
Từ khi được điều trị bằng ARV và thuốc dự phòng phơi nhiễm, anh chị đạt thể trạng sức khỏe tốt, làm việc và sinh hoạt như người bình thường. Năm 2020, chị Hiền quyết định sinh con thứ hai. Ở thai kỳ 32 tuần tuổi, chị tự tin về việc có thể sinh con bình thường, không nhiễm HIV: “Anh em ruột cũng biết, cũng ủng hộ. Đọc trên báo đài cũng biết là uống thuốc bình thường, khả năng lây sẽ không cao. Các bác sĩ cũng tư vấn cho em uống thuốc đúng giờ, ăn uống sinh hoạt bình thường, chờ ngày sinh con”, chị H cho hay.
Tương tự, anh N. V. K, 35 tuổi, làm nghề lái xe ở Bình Dương. Khoảng 10 năm nay, anh uống thuốc ARV và đều đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Anh và vợ vẫn đi làm bình thường. Anh K. chia sẻ, thời gian đầu hơi suy sụp, sau thấy cũng bình thường. Lúc đó anh điều trị trên tỉnh, họ tư vấn rất chi tiết cho anh về chiến dịch K=K. Hiểu về ý nghĩa của chương trình nên anh giờ anh cảm thấy rất nhẹ nhàng.
Bác sỹ Đậu Mỹ Duyên, Trung tâm Y tế Thành phố Thuận An cho biết, cũng có nhiều trường hợp như vợ chồng anh K., những người đang lưỡng lự việc sinh con, do vẫn có một tỉ lệ thấp có khả năng lây truyền từ mẹ sang con dù tải lượng virus thấp. Tuy nhiên, ở phòng khám ngoại trú quản lý của Trung tâm, bác sĩ Đậu Mỹ Duyên khẳng định, do tư vấn và tuân thủ điều trị tốt, đến nay 100% số cặp vợ chồng sinh con, con đều khỏe mạnh.
“Có nhiều cặp vợ chồng cùng điều trị. Chúng tôi theo dõi, xét nghiệm định kỳ dày hơn so với bình thường, tư vấn uống thuốc đều đặn hơn. Ở đây, có nhiều cặp vợ chồng điều trị và sinh con không lây. Từ lúc tôi làm việc ở đây, chưa có cặp nào lây cho con”, bác sỹ. Duyên cho hay.
Bác sỹ Nguyễn Duy Phong, phụ trách khoa HIV, Lao, Methadone tại Trung tâm y tế TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, có nhiều bệnh nhân đã điều trị rất tích cực, và kết quả của việc đó là nhiều gia đình nhiễm HIV đã sinh con khỏe mạnh, sức khỏe ổn định. BS Phong khẳng định, “việc tuân thủ điều trị đạt K=K đã mang lại niềm hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng có một trong hai, hoặc cả hai người nhiễm HIV. Và hạnh phúc đó là những điều rất giản dị: Được sinh con, nuôi con như người bình thường”.
Cơ hội giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 90 thứ 3
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), K=K là minh chứng cho thấy Việt Nam đang làm rất tốt chỉ số thứ 3 trong mục tiêu 90-90-90, tức 90% người đang được điều trị bằng thuốc kháng virus đạt được ngưỡng ức chế virus dưới ngưỡng phát hiện.
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS khẳng định: Tính đến hết tháng 6/2020, Việt Nam đã đạt tỉ lệ tương tứng là 83-75-96, trong đó, nước ta nằm trong top 4 quốc gia (cùng Anh, Đức, Thụy Sỹ) có tỷ lệ ức chế virus qua điều trị trên 90%.
TS. Hoàng Đình Cảnh khẳng định: Chúng ta đã đi đúng hướng từ việc mở rộng dịch vụ đến tận thôn bản và cấp thuốc tại xã, phường, cấp thuốc nhiều ngày, cấp thuốc 3 tháng cho bệnh nhân dễ dàng tiếp cận về điều trị. Thứ hai là chúng ta điều trị sớm điều chỉnh ngay và điều trị cả đồng lây nhiễm lao, viêm gan, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thứ ba là quản lý về chất lượng điều trị để đạt mục tiêu này. Một điểm sáng nữa là chúng ta đang sử dụng nguồn BHYT cho điều trị, bảo đảm tính bền vững của chương trình điều trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả hết sức tích cực, Việt Nam cũng giống nhiều quốc gia trên thế giới, vẫn đứng trước những thách thức lớn để cùng nhau chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS cho thấy, mỗi năm, Việt Nam vẫn còn 10.000 người mắc được phát hiện, khoảng 3.000-4.000 ca tử vong do HIV. Nước ta còn khoảng 40.000 người sống trong cộng đồng mà chưa được tiếp cận thuốc, trong đó có bộ phận không nhỏ là người nghiện ma túy, những người yếu thế. Bên cạnh đó, viện trợ quốc tế đang cắt giảm, công tác phòng chống AIDS buộc phải sử dụng nguồn trong nước, gồm ngân sách Trung ương, địa phương, BHYT.
TS. Hoàng Đình Cảnh cho rằng, một trong những khó khăn rất lớn hiện nay là sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm. Đây là rào cản làm những người nhiễm HIV, những người có nguy cơ nhiễm HIV lẩn tránh, họ không đến tiếp cận xét nghiệm để biết tình trạng nhiễm cũng như không điều trị. Chính họ là nguồn lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng để dịch lây lan. Làm thế nào để họ bình thường, coi đây là một bệnh dịch mãn tính, họ chủ động bởi vì chỉ có huy động được họ và họ chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho họ thì chúng ta mới thành công.
Đề cập giải pháp để hoàn thành mục tiêu 90-90-90 cũng như hướng tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, TS. Hoàng Đình Cảnh cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực can thiệp, giảm tác hại, điều trị dự phòng phơi nhiễm cho các đối tượng nguy cơ cao, điều trị ngay trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh; tạo thuận lợi trong xét nghiệm, bao gồm cả xét nghiệm trọng cộng đồng, người nhiễm xét nghiệm cho bạn nhiễm. Vì khi mục tiêu 90 thứ nhất làm tốt, các mục tiêu 90 tiếp theo mới có thể hoàn thành.
Hiện cả nước có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị. Chiến dịch quốc gia K=K tập trung ở Trung ương và 11 tỉnh/thành phố PEPFAR với các tài liệu truyền thông, sự kiện cộng đồng, các hoạt động truyền thông xã hội từ đó lồng ghép thông điệp K=K vào điều trị ARV là dự phòng trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS.