Tính đến 31/3/2021, Dự án phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Dự án VUSTA) đã tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng HIV cho 15.204 người, chuyển gửi xét nghiệm 5,805 người (38,2%), phát hiện 295 người nhiễm (5,1%) và kết nối 288 người với điều trị ARV (98%).
Dự án VUSTA - Quỹ Toàn cầu phòng, chống lao, HIV và sốt rét vừa có buổi họp trực tuyến với Ban điều phối quốc gia (CCM) Việt Nam.
Cuộc họp nhằm đánh giá tiến độ dự án phòng, chống HIV/AIDS và dự án phòng, chống COVID-19, thảo luận về các phản ánh của cộng đồng liên quan đến tiếp cận các dịch vụ y tế và đưa ra các giải pháp.
Cuộc họp do PGS. TS Phạm Lê Tuấn, chủ tịch CCM chủ trì, với sự tham gia của các thành viên của Ban điều phối quốc gia, Cục phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế, các đơn vị thực hiện dự án, các tổ chức cộng đồng và các tổ chức quốc tế. Phía VUSTA có PGS. TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA kiêm Giám đốc dự án, các thành viên ban quản lý dự án và các đơn vị thực hiện.
Tính đến 31/3/2021, dự án VUSTA phòng, chống HIV/AIDS đã tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng HIV cho 15.204 người, chuyển gửi xét nghiệm 5,805 người (38,2%), phát hiện 295 người nhiễm (5,1%) và kết nối 288 người với điều trị ARV (98%). Tỷ lệ phát hiện dương tính cao nhất được phát hiện trong nhóm phụ nữ bán dâm (6%) trong khi tỷ lệ này là 2,7% năm 2020, 3,1% năm 2019 và 3,1% năm 2018. Đây là điểm đặc biệt vì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này thường thấp nhất trong 4 nhóm đối tượng của dự án, cao nhất là chuyển giới nữ, sau đó là nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm tiêm chích ma túy và cuối cùng là phụ nữ bán dâm.
Tại buổi làm việc các tổ chức cộng đồng phản ánh về một số khó khăn gặp phải trong thời gian qua một số cơ sở y tế thiểu thuốc kháng virus ARV nên chỉ phát cho khách hàng 1-2 tuần, thậm chí 1-2 ngày, thay vì cấp hàng tháng. Có đủ thuốc ARV là mối quan tâm lớn nhất của người nhiễm HIV.
Đại diện của Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, nguồn thuốc thiếu do Ấn Độ là nước sản xuất thuốc ARV chủ yếu trên thế giới, gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát dữ dội và lý do thứ hai là bảo hiểm y tế đang trong quá trình đàm phán về giá thuốc với các công ty dược phẩm. Một khó khăn khác được phản ánh trong cuộc họp đó là một số cơ sở y tế phải tập trung phòng, chống dịch COVID-19 nên người tiêm chích ma túy phải chờ đợi để bắt đầu điều trị Methadone. Từ những khó khăn trên, đại diện của Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sẽ có các biện pháp để thúc đẩy để bảo đảm nguồn thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Cuộc họp cũng thảo luận những khó khăn nảy sinh trong việc thực hiện các quy định mới của Nghị định số 56/2020 về quản lý các dự án sử dụng vốn ODA và đi đến thống nhất CCM sẽ là đầu mối.
Hiện VUSTA đang triển khai dự án phòng chống COVID-19 giai đoạn 1/10/2020-30/6/2021 với kinh phí 303,949 USD tài trợ của Quỹ Toàn cầu. Các hoạt động chủ yếu là mua khẩu trang, nước sát khuẩn tay, hỗ trợ chi trả phí dịch vụ uống Methadone cho hơn 2.018 người tiêm chích ma túy (300 nghìn/người/tháng x 3 tháng), điều trị các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục cho 1.310 nam quan hệ tình dục đồng giới, 834 phụ nữ bán dâm và 52 người chuyển giới nữ (500 nghìn đ/người x 1 lần), và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, dự án cũng chú trọng các hoạt động như truyền thông và tư vấn xét nghiệm trực tuyến.