Tròn 40 năm ca nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới được phát hiện tại Mỹ. Kể từ đó, hơn 700.000 người tại Mỹ đã chết vì dịch bệnh này. Mặc dù y học thế giới có nhiều tiến bộ, làm thay đổi đáng kể việc chẩn đoán, điều trị, giúp kéo dài cuộc sống của người nhiễm HIV nhưng đến nay căn bệnh thế kỷ này vẫn chưa có phương pháp cứu chữa.
Ngày 5/6/1981, cả nước Mỹ xôn xao khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố báo cáo, trong đó ghi nhận 5 trường hợp đầu tiên mắc bệnh nhiễm trùng phổi bất thường và 2 trong số này đã tử vong. Những người này không chỉ mắc viêm phổi do nhiễm trùng bào tử (viết tắt là PCP) mà còn bị các bệnh nhiễm trùng thứ phát khác, trong đó có một loại ung thư hiếm gặp và nghiêm trọng được gọi là Kaposi (KS). Nó giống như bệnh dịch đen của những năm 1980 và mọi người đều căng thẳng và xúc động mỗi khi nhắc đến căn bệnh này.
Hồi đầu năm nay, anh Adam Castillejo sống ở London (Anh) đã trở thành người thứ hai trong lịch sử được tuyên bố chữa khỏi HIV/AIDS hoàn toàn sau hơn 30 tháng không còn phát hiện virus HIV trong người.
“Có những lúc bạn cảm thấy nỗi sợ hãi đang xâm chiếm, song đôi khi điểm yếu lớn nhất của bạn lại có thể là sức mạnh lớn nhất. Vì vậy hãy đừng từ bỏ hy vọng. Đôi khi mọi thứ có thể khiến bạn choáng ngợp, tuyệt vọng đến mức bất lực. Nhưng, có niềm tin, mọi thứ có thể thay đổi. Hãy hy vọng và đây là thông điệp mà tôi muốn gửi tới. Chỉ cần bạn đừng từ bỏ hy vọng, mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn”, anh Castillejo nói.
Adam Castillejo đã trải qua một ca cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư hạch và người hiến tặng của bệnh nhân này mang một đột biến được gọi là CCR5-delta 32, kháng HIV. Trước đó, người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV (năm 2011) cũng nhờ phương pháp cấy tế bào gốc tương tự.
40 năm sau khi những trường hợp đầu tiên mắc HIV/AIDS được phát hiện, câu chuyện chiến thắng bệnh tật của Adam Castillejo hay Timothy Brown đã mang lại hi vọng lớn cho cuộc chiến chống HIV/AIDS toàn cầu. Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS) Winnie Byanyima cho rằng thế giới có thể đạt được mục tiêu đẩy lùi căn bệnh chết người này vào năm 2030. Bởi thực tế là trong 1 thập kỷ qua, số người tử vong do HIV/AIDS đã giảm 43% xuống còn 690.000 người vào năm 2020 và ít nhất 40 quốc gia đang trên đà đạt được mức giảm 90% tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS vào năm 2030.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới cuộc chiến chống HIV, lấy đi các nguồn lực như tài chính và nhân viên y tế. Các chuyên gia cảnh báo, Mỹ có thể sớm chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca HIV và nước này khó có thể hoàn thành chiến dịch thanh toán HIV/AIDS vào năm 2030 như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng công bố vào năm 2019.
Nhân dịp này, để bảo đảm bền vững công tác phòng chống dịch HIV/AIDS, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu quốc hội duyệt chi 670 triệu USD để hỗ trợ chống HIV/AIDS, trong đó ưu tiên tăng cường điều trị, bảo đảm tiếp cận công bằng trong điều trị.
Trên toàn cầu, những thành tựu trong công tác phòng chống AIDS có thể bị đảo ngược do dịch COVID-19 làm gián đoạn việc xét nghiệm và chăm sóc bệnh nhân HIV.