Virus HIV làm tăng tiến triển bệnh gan trên người bệnh đồng nhiễm HIV và viêm gan B, C. Do đó, nếu người bệnh không điều trị viêm gan B, C kịp thời, sẽ dễ tiến triển thành ung thư gan, xơ gan, ngay cả khi đã được điều trị HIV bằng ARV.
Tỷ lệ viêm gan đồng nhiễm HIV không giảm
Theo số liệu thống kê, ước tính hằng năm khoảng 1,1 triệu người chết do viêm gan. Viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.
Có 5 loại viêm gan virus, trong đó viêm gan virus B và C lây truyền tương tự như virus HIV bao gồm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con và có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.
Việt Nam là nước có gánh nặng về bệnh gan đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 7,8 triệu người nhiễm viêm gan virus B (viêm gan B) mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm viêm gan virus C (viêm gan C) mạn tính. Trong số này, tỷ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (26%-44%). Toàn quốc hiện có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống, trong số này có trên 156.000 người đang điều trị thuốc ARV. Một số người nhiễm HIV đang điều trị đồng thời thuốc ARV và methadone.
Tình trạng nhiễm virus viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh tỷ lệ xơ hóa tiến triển và xơ gan so với người chỉ nhiễm viêm gan C. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao hơn ở người chỉ nhiễm viêm gan C.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể nhờ việc mở rộng điều trị thuốc ARV, tỷ lệ tử vong ở nhóm người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan không có xu hướng giảm do người bệnh gặp nhiều rào cản trong tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia cần tăng cường điều trị viêm gan C trên người bệnh đồng nhiễm HIV để duy trì thành quả của chương trình điều trị HIV. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của y học, bệnh viêm gan C đã được điều trị khỏi trong vòng 12 tuần bằng phác đồ có các thuốc kháng virus trực tiếp (DAA) với tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 98%, kể cả ở nhóm người đồng nhiễm HIV.
Việt Nam đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Từ cuối năm 2018, chi phí thuốc DAA điều trị viêm gan C đã bắt đầu được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với tỷ lệ thanh toán bảo hiểm là 50%. Từ năm 2021, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị viêm gan C bằng phác đồ Sofosbuvir và Daclatasvir cho 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS của 32 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/huyện trở lên. Sau hơn 2 tháng triển khai đã có trên 1.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị viêm gan C từ nguồn thuốc viện trợ miễn phí này.
Bên cạnh việc thuốc điều trị viêm gan C được cấp miễn phí, người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được chi trả các dịch vụ khác như xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C theo quyền lợi và mức hưởng của Quỹ Bảo hiểm y tế và các xét nghiệm khác theo quy định.
Dự phòng lây nhiễm viêm gan B, C trên bệnh nhân HIV
Để phòng ngừa, những bệnh nhân nhiễm HIV cần được sàng lọc viêm gan B, C. Bệnh nhân cần được cung cấp thông tin về bệnh viêm gan B, C cũng như các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan B, C ra cộng đồng, chăm sóc sức khỏe là một trong các biện pháp quan trọng quản lý đồng nhiễm viêm gan/HIV.
Đối với các trường hợp viêm gan B đồng nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng ARV, ưu tiên bậc 1 vừa có tác dụng điều trị ARV, vừa có tác dụng điều trị viêm gan virus B.
Người bệnh đồng nhiễm HBV/HIV không nên tự ngưng thuốc ARV đang điều trị, tránh bùng phát viêm gan virus B. Khi chuyển phác đồ bậc 2 cho người bệnh đồng nhiễm HBV/HIV thì vẫn phải giữ các thuốc đang điều trị có tác dụng với viêm gan virus như TDF, 3TC. Đồng thời, thay thế TDF bằng TAF nếu người bệnh có suy thận mức lọc cầu thận <50 ml/phút.
Để sàng lọc viêm gan B, bệnh nhân cần được xét nghiệm HBsAg, tiêm phòng vaccine viêm gan B cho các trường hợp HbsAg âm tính. Đình lượng anti-HBs nếu có điều kiện trước khi tiêm phòng vaccine.
Để chuẩn đoán và điều trị người bệnh đồng nhiễm viêm gan C/HIV, cần sàng lọc anti-HCV cho tất cả người nhiễm HIV. Có thể xét nghiệm lại một năm 1 lần nếu xét nghiệm anti-HCV âm tính trước đó và người bệnh có nguy cơ nhiễm HCV tiếp diễn.
Trường hợp anti-HCV âm tính nhưng người bệnh nhiễm HIV/nghiện chích ma túy có nguy cơ rất cao nhiễm HCV, men gan tăng không rõ nguyên nhân, cân nhắc xét nghiệm HCV RNA hoặc kháng nguyên lõi HCVAg để chuẩn đoán xác định viêm gan C mạn.
Người bệnh đồng nhiễm HIV/HCV cần được ưu tiên điều trị viêm gan virus C mạn để giảm mắc và tử vong do bệnh gan giai đoạn cuối và ung thư gan. Bên cạnh đó, sử dụng các thuốc kháng virus trực tiếp DAAs, ưu tiên lựa chọn các phác đồ tác dụng lên tất cả kiểu gene và không có tương tác thuốc với phác đồ tác dụng lên tất cả kiểu gene và không có tương tác thuốc với phác đồ ARV đang điều trị.
Những người nhiễm HIV là những người có hệ thống suy giảm miễn dịch yếu, do đó dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và bệnh viêm gan B, C, để phòng ngừa viêm gan B, C, những bệnh nhân này cần tránh xa rượu, tránh tự ý uống các loại thuốc, kể cả thảo dược mà không có chỉ dẫn của bác sỹ. Thực hiện các chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng, tránh thừa cân, tập thể dục đều đặn hàng ngày, nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý, bỏ hoặc giảm thuốc lá.
Những bệnh nhân nhiễm HIV cần được tiêm phòng vaccine viêm gan. Thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm HBV, HCV. Đối với những bệnh nhân đồng nhiễm đã được điều trị cần thực hiện các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm HBV, HCV ra cộng đồng và dự phòng tái nhiễm, đặc biệt là tái nhiễm HCV sau khi đã được chữa khỏi bệnh.