Để thu hút người có nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP), Nam Định đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác này, đặc biệt là công tác truyền thông kêu gọi tham gia điều trị PrEP, góp phần ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, PrEP có hiệu quả dự phòng nhiễm HIV lên đến 96%-99% nếu tuân thủ điều trị tốt. Điều trị PrEP là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao.
Thực hiện Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, Nam Định đã triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV tại 5 cơ sở gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu.
Đối tượng được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV là người lớn hoặc vị thành niên có cân nặng trên 35 kg; xét nghiệm HIV âm tính; trong vòng 6 tháng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao; nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma tuý, mại dâm, bạn tình của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện virus, tức là vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu.
Để thu hút người có nguy cơ cao tham gia điều trị PrEP, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông như: Phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; sản xuất và cấp phát sách nhỏ “Hỏi đáp về PrEP - Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm”, sản xuất và phát sóng clip quảng bá chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm trên truyền hình CAB và các tài khoản mạng xã hội facebook của mạng lưới MSM tại Nam Định; truyền thông trực tiếp cho hàng trăm nghìn lượt người; cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi phổ biến về PrEP, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV)… cho những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện như “Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) - Vì sức khỏe cộng đồng” với sự tham gia của các đại biểu từ các cơ sở điều trị ARV, các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV của bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và các tổ chức dựa vào cộng đồng (OBS) như “Hành trình mới”, “Gió biển”, “San hô”, “Nắng mới”... Sự kiện đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng lớn từ các cán bộ y tế cũng như những khách hàng đang và có dự định điều trị PrEP. Qua các hoạt động truyền thông, người dân, nhất là nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV cao, nâng cao nhận thức về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.
PrEP là một biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, góp phần quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm HIV. Nếu một người chưa nhiễm HIV khi dùng PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới 90% khi rơi vào tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao. Những đối tượng có nguy cơ cao muốn được điều trị dự phòng cần được sự tư vấn, khám, xét nghiệm kỹ từ bác sĩ. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV sử dụng thuốc ARV nếu dùng mỗi ngày có hiệu quả cao, có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao như nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới… được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng này. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị dự phòng nên đòi hỏi người tham gia phải tuân thủ đúng hướng dẫn chuyên môn nếu không tuân thủ dùng thuốc đều đặn hàng ngày, sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả.
Bằng những kết quả thiết thực trong phòng ngừa lây nhiễm HIV, Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV ở Nam Định đã thu hút được ngày càng nhiều người trong nhóm nguy cơ cao tham gia. Đến nay, lũy tích toàn tỉnh có 119 khách hàng tham gia điều trị PrEP, trong đó số khách hàng đang điều trị là 111 người. Số khách hàng điều trị PrEP chủ yếu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 50 người, Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu 53 người, Trung tâm Y tế Giao Thủy 3 người, Trung tâm Y tế Nghĩa Hưng 3 người, Trung tâm Y tế Xuân Trường 2 người. Qua đó, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Với mục tiêu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho 320 khách hàng mỗi năm, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV, về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV, nhằm thu hút ngày càng đông người tiếp cận dịch vụ, tham gia điều trị hiệu quả, góp phần giảm thiểu HIV/AIDS lây nhiễm trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới vào năm 2030.