Công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như liên tục đạt “3 giảm”. Song thách thức và khó khăn vẫn hiện hữu, đòi hỏi chúng ta phải đặt ra những mục tiêu phù hợp và quyết tâm hoàn thành những mục tiêu đặt ra trong thời gian tới.
Để tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các kết quả quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua và những khó khăn, thách thức của công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian tới, đặc biệt là xóa bỏ tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, làm việc…, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị thực hiện nghiêm hướng dẫn số 20-HD/BTGTW về việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 6/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, về phòng, chống HIV/AIDS rất quan trọng, cần kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS với thông tin kiến thức về HIV/AIDS và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, các biện pháp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Bên cạnh đó, biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng; truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số, các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Viber, Lotus; tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh - truyền hình ở cơ sở; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở.
Đặc biệt, Hướng dẫn 20-HD/BTGTW nêu rõ việc huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người nổi tiếng, người đứng đầu các cộng đồng dân cư, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, người nhiễm HIV, người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao tham gia vào công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS....
Thời gian gần đây, các hãng phim truyện đã chú ý hơn trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép vào các các chương trình truyền thông. Nhiều người nổi tiếng cũng đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện nhằm hỗ trợ cho những người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn, xóa bỏ suy nghĩ phân biệt đối xử, kỳ thị với những người nhiễm HIV.
Điển hình, phim ngắn truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, mang tên “Đường về 2: Lối nào cho yêu thương” đã ra mắt ở TPHCM, nằm trong chuỗi các hoạt động của giải thưởng Dải Băng Đỏ, do Mạng lưới Người sống chung với HIV Việt Nam (VNP+) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y Tế), Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM và Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp về phòng, chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR).
Nội dung của phim dựa trên một câu chuyện có thật, xoay quanh cuộc sống của bác sĩ Khang. Ông có một gia đình hạnh phúc với vợ và các con, nhưng bước ngoặt lớn đã xảy ra khi bí mật về những mối tình đồng tính của ông, thông tin ông đang mang trong mình virus HIV bất ngờ được công khai với gia đình và mọi người xung quanh, tạo ra nhiều tình huống đầy kịch tính.
Phim có sự tham gia của NSƯT Kim Xuân, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Lương Duyên, Hoàng Vân Anh, Thanh Duy, Đỗ Sơn Tùng, Ngô Kinh Lâm, Nguyễn Anh Phong, Như Quỳnh… Trong ngày phim ra mắt, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Thành Lộc, Tăng Thanh Hà, ca sĩ Trà My, Hồng Ánh, Mỹ Uyên, Á khôi Băng Châu, Xuân Hương, diễn viên Ngọc Thảo… cũng đã đến ủng hộ bộ phim.
Việt Nam hiện khoảng trên 230.000 người nhiễm HIV, trong đó có 211.988 người nhiễm HIV hiện đang còn sống đã được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV đã giảm rõ rệt trong nhóm nghiện chính ma túy (từ gần 30% năm 2007 xuống còn 10% hiện nay) và phụ nữ mại dâm (từ 6% 2007 xuống 2,5% hiện nay). Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV đang tăng rất nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng tăng, chiếm đến 70% người nhiễm HIV mới được phát hiện hàng năm.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại trước năm 2030. Đó là khi số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%...