Tại Tiền Giang, tỷ lệ bệnh nhân lao các thể thu nhận hàng năm trung bình khoảng 2.084 người, tương đương 114 người/100.000 người dân, tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân lao là 58 người, tương đương 03 người/100.000 người dân. Với điều kiện về địa giới, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực của tỉnh sẽ đạt các mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 người dân (giảm 16% trên năm), để loại bỏ hoàn toàn bệnh lao trong cộng đồng, địa phương chú thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh lao, tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Cụ thể, các hoạt động nhằm bảo đảm mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 102 người trên 100.000 người dân (giảm 9%/năm); giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 04 người trên 100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 4% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện và dưới 19% trong tổng số người bệnh lao tái trị.
Đến năm 2030, địa phương sẽ tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người trên 100.000 người dân (giảm 16% trên năm). Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao. Giảm số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc còn dưới 2% trong tổng số người bệnh lao.
Các hoạt động cụ thể bao gồm: Tăng cường nguồn lực và huy động xã hội cho hoạt động phòng, chống bệnh lao, thông qua việc tổ chức hội thảo vận động chính sách, huy động nguồn lực và cam kết hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động chống lao giai đoạn 2021 – 2025. Nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và triển khai Chiến lược phòng, chống bệnh lao với sự cam kết tham gia của các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh lao thông qua các cuộc hội thảo, các hình thức truyền thông trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; tuyên truyền dưới nhiều hình thức tại các địa phương trong tỉnh nhằm tăng cường truyền thông sâu, rộng đến người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, người di biến động hiểu, không mặc cảm kỳ thị đối với bệnh lao, chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành Y tế cung cấp...
Triển khai và nâng cao chất lượng dịch vụ chống lao toàn diện, ứng dụng các kỹ thuật mới trong phát hiện chẩn đoán bệnh lao bằng chụp X-quang phổi và xét nghiệm đờm trực tiếp, xét nghiệm GeneXpert cho các đối tượng nghi lao hoặc người nhà sống chung với bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học tại 11 huyện, thị xã, thành phố.
Chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, áp dụng phương pháp X-quang phổi kỹ thuật số và xét nghiệm GeneXpert (chiến lược 2X) cho đối tượng người dân trên 15 tuổi, người bệnh tiểu đường, COPD, người già trên 60 tuổi, người nhiễm HIV và người tiếp xúc trong gia đình bệnh nhân lao (ước tính 10% dân số) để chủ động phát hiện bệnh lao cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường năng lực chẩn đoán bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV thông qua việc thường xuyên tập huấn cho nhân viên phòng xét nghiệm về xét nghiệm đờm trực tiếp, nuôi cấy, an toàn phòng xét nghiệm cho các nhân viên các phòng xét nghiệm. Và lồng ghép hoạt động phòng, chống bệnh lao với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh phổi mạn tính và các hoạt động y tế dự phòng khác.
Nâng cao chất lượng dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân, ứng dụng tối ưu các thuốc và phác đồ điều trị mới và hiện hành…
Bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc và hậu cần kỹ thuật phòng, chống bệnh lao. Tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh lao bảo đảm ổn định hoạt động phòng, chống bệnh lao tại tuyến tỉnh, tuyến huyện, xã.