Việt Nam là một trong các quốc gia trên thế giới có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao. Điều này đặt ra thách thức cho Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ những đối tượng đặc biệt này, họ là nhóm đối tượng dễ bị mọi người kỳ thị, cộng đồng xa lánh, dễ bị tổn thương cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trước yêu cầu đó, Luật Phòng, HIV/AIDS năm 2006 ra đời và sửa đổi vào năm 2020, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong đó ghi nhận các quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV, giúp tránh những mặc cảm, tự ti, cũng như là cách thức để nhà nước bảo vệ quyền con người cho người nhiễm HIV một cách triệt để.
Những quyền của người nhiễm HIV:
Quyền của người có HIV/AIDS được pháp luật quốc tế ghi nhận trong các văn kiện luật nhân quyền quốc tế cơ bản. Nền tảng là Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945 và Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 1948. Quy định về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được ghi nhận trong hai công ước quốc tế về quyền con người là Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính, chính trị (ICCPR) năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966. Bên cạnh những văn kiện cơ bản nền tảng này còn có những văn kiện liên quan trực tiếp đến vấn đề HIV/AIDS là các công ước do các tổ chức liên chính phủ thành viên của Liên Hợp Quốc thông qua như tổ chức y tế thế giới WHO, tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa UNESCO, tổ chức lao động thế giới ILO…
Trên cơ sở tiếp thu các văn bản pháp lý quốc tế, pháp luật quốc gia, trong đó có Việt Nam đã ghi nhận quyền của người nhiễm HIV trong Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), theo đó, tại Khoản 1, Điều 4, với 5 quyền cơ bản:
Thứ nhất, sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội.
Đây là quyền đầu tiên được ghi nhận tại Điều 4, điều này cũng chứng minh được tầm quan trọng của quyền này. Sống hòa nhập là việc người nhiễm HIV được sinh sống trong cộng đồng dân cư, gần gũi, không bị xa lánh, kỳ thị, được tham gia các hoạt động xã hội, được nói chuyện, giao lưu, kết nối cộng đồng. Vì là quyền, do đó, việc bảo đảm quyền sẽ được thực hiện dựa trên nghĩa vụ đối ứng của chủ thể còn lại, tuy nhiên, đây là quyền sẽ rất khó bảo đảm, bởi cộng đồng và xã hội thực sự đang có những cái nhìn khắt khe, phân biệt đối xử với đối tượng này.
Quyền sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội là quyền nhằm giải tỏa vấn đề tâm lý cho người bị nhiễm HIV, giúp họ tự tin, đóng góp những giá trị tích cực mà mình có cho cộng đồng như những cá nhân khác trong xã hội.
Thứ hai, được điều trị và chăm sóc sức khỏe.
HIV được xem là một “căn bệnh” vì vậy, việc điều trị, chăm sóc sức khỏe là điều hoàn toàn hiển nhiên và cần thiết, đặc biệt đối với căn bệnh nguy hiểm như HIV. Thực tế, đây là quyền được bảo đảm cơ bản, bởi các cơ sở khám chữa bệnh buộc phải có các bộ phận xét nhiệm, điều trị tích cực cho người nhiễm HIV, việc điều trị và chăm sóc nhằm làm giảm thiểu sự tác động hoặc làm chậm sự tác động của virus HIV đối với sức khỏe, cơ thể người nhiễm HIV, mà không đề cao qua nhiều đến kết quả cuối cùng, bởi đây là căn bệnh chưa có thuốc điều trị triệt để.
Thứ ba, học văn hóa, học nghề, làm việc.
Đây là quyền quan trọng để người nhiễm HIV thực hiện quyền sống hòa nhập với cộng đồng, việc được học văn hóa, học nghề, làm việc là cách để người nhiễm HIV tự tìm kiếm cơ hội được sống, cống hiến và đem lại thu nhập nuôi sống bản thân, đây là quyền của mọi công dân, nhưng xuất phát là chủ thể đặc biệt, nên việc ghi nhận quyền này như một quyền đặc biệt của người nhiễm HIV là điều dễ hiểu.
Thứ tư, được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS.
Bí mật riêng tư ở đây có thể là những bí mật liên quan đến sự phát triển của sức khỏe, nguồn gốc làm phát sinh bệnh,…đây là những bí mật mà nếu đề người khác biết sẽ dẫn đến những sự kỳ thị và việc giữ bí mật sẽ giúp người nhiễm HIV bỏ qua những mặc cảm, để sống hòa nhập hơn.
Thứ năm, từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối.
AIDS là là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Acquired Immune Deficiency Syndrome” là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong. (Khoản 2, Điều 1, Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)). Chính vì AIDS đã rất nguy hiểm và việc lâm vào giai đoạn cuối dường như là sự kết thúc cho quá trình phát triển đến đỉnh điểm của HIV, giai đoạn cuối tỷ lệ tử vong của người nhiễm AIDS là rất cao, nên việc từ chối khám bệnh, chữa bệnh cũng là cách để giảm các chi phí không cần thiết, cũng như những nỗi đau trong quá trình chữa trị.
Dưới phương diện y học, HIV/AIDS là một loại bệnh nguy hiểm mà hiện tại chưa có phương thuốc nào chữa được. Dưới góc độ xã hội, đây là mầm móng đe dọa sự sống của con người, sự bình yên trật tự của cộng đồng, xã hội, nó phá vỡ những thành tựu văn minh mà nhân loại dày công xây dựng, đồng thời cũng kìm hãm sự phát triển kinh tế, làm bất ổn tình hình chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới. Xét dưới góc độ đạo đức, hầu hết HIV/AIDS đều được nhìn nhận gắn liền với tệ nạn xã hội như mại dâm, tiêm chích… Chính với quan điểm này nên HIV/AIDS càng trở nên đáng sợ và bị xa lánh hơn bất cứ căn bệnh nào, quyền của người có HIV/AIDS hầu như không tồn tại hay thực tế không được bảo đảm.
Những nghĩa vụ của người nhiễm HIV:
Nghĩa vụ của người nhiễm HIV xuất phát từ tính đặc biệt trong chủ thể của người nhiễm HIV, theo đó, Khoản 2, Điều 4, Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ghi nhận 3 nghĩa vụ cơ bản:
Thứ nhất, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác.
HIV lây nhiễm chủ yếu qua 3 con đường: quan hệ tình dục, qua đường máu và từ mẹ sang con. Với tính chất nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ, tỷ lệ tử vong cao, vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác là nghĩa vụ cực kỳ quan trọng và là nghĩa vụ trọng tâm nhất. Vì là nghĩa vụ, nếu người nhiễm HIV không thực hiện được thì sẽ bị áp dụng trách nhiệm pháp lý, trong đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết.
Việc thông báo đề vợ, chồng thực hiện việc xét nghiệm, kiểm tra kết quả, đặc biệt là khi cả hai đã quan hệ tình dục. Còn đối với người chuẩn bị kết hôn, việc thông báo có thể làm thay đổi ý muốn kết hôn của người còn lại, việc thông báo cũng là cách tôn trọng người còn lại trong mối quan hệ hôn nhân.
Thứ ba, thực hiện các quy định về điều trị bằng thuốc kháng HIV.
Thuốc kháng HIV có thể được hiểu là thuốc ức chế sự phát triển của virus HIV. Việc điều trị bằng thuốc phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, của cơ sở y tế, người có chuyên môn. Thuốc kháng HIV do ngân sách nhà nước chi trả, thuốc do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ được cấp miễn phí cho người nhiễm HIV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS. (Khoản 3, Điều 39 Luật). Việc thực hiện các quy định về điều trị này cũng là nghĩa vụ nhưng lại có ý nghĩa tác động tới người nhiễm HIV, giúp họ làm giảm sự ảnh hưởng của virus tới sức khỏe.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ nêu trên, người nhiễm HIV sẽ còn có các quy định cụ thể khác được quy định trong từng hoạt động theo quy định của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và pháp luật liên quan.