Năm 2021, đại dịch COVID-19 với biến thể Delta đã hoành hành nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó ảnh hướng rất lớn công tác phòng chống HIV/AIDS. Theo báo cáo của các địa phương, dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp và vẫn ở mức cao.
Cụ thể, giãn cách xã hội kéo dài, một số cơ sở y tế bị phong tỏa, bệnh nhân bị cách ly đã làm gián đoạn các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, thăm khám, điều trị và cung cấp thuốc cho bệnh nhân. Chưa kể đội ngũ y tế bị quá tải do phải ưu tiên ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan thường trực phòng chống HIV/AIDS của Ủy ban quốc gia Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma úy, mại dâm đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương không ngừng nỗ lực và sáng tạo để duy trì và cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS nhằm bảo vệ sức khỏe cho những người có HIV trước dịch COVID-19, đồng thời bảo vệ những thành quả phòng chống HIV/AIDS đã đạt được trong những năm qua, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: “Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành y tế mà cụ thể là Cục Phòng chống HIV/AIDS đã chủ động, sáng tạo xây dựng các mô hình phù hợp để cung cấp thuốc và các dịch vụ xét nghiệm dự phòng cho người nhiễm HIV. Chúng tôi đã có những hướng dẫn cụ thể, chủ động xây dựng các biện pháp, chương trình, cách thức chăm sóc, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân HIV đến tận địa phương, cơ sở với mục đích không để bệnh nhân HIV nào bị ngắt quãng điều trị”.
Quận Gò Vấp (TPHCM) là một trong những tâm điểm của dịch COVID-19 vào giữa năm 2021, đây cũng là nơi thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội đầu tiên của Thành phố và kéo dài 5 tháng, lâu nhất từ trước đến nay. Bác sĩ Lê Thu Thủy, Trung tâm y tế quận Gò Vấp cho biết: “Trung tâm y tế quận Gò Vấp hiện đang theo dõi và điều trị cho hơn 2.200 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở địa bàn và các địa phương lân cận. Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, toàn bộ việc thăm khám và quản lý bệnh nhân của Trung tâm đều phải thực hiện từ xa. Các giấy tờ như hồ sơ bệnh án, phiếu cấp thuốc cũng được thực hiện online. Chúng tôi đã duy trì thăm khám đầy đủ cho 2.200 bệnh nhân trong suốt 5 tháng giãn cách xã hội”.
“Chúng tôi luôn kết nối thường xuyên với các bệnh nhân HIV để hướng dẫn họ thăm khám trong thời gian dịch COVID diễn biến phức tạp trên toàn thành phố. Có những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bị nhiễm COVID-19, chúng tôi đã hướng dẫn các bạn liên hệ với trạm y tế phường, đồng thời phối hợp với các tình nguyện viên ở mạng lưới y tế cộng đồng bố trí cấp thuốc tại nhà cho những bệnh nhân này, bảo đảm bệnh nhân vừa được cấp thuốc chữa trị HIV/AIDS liên tục, vừa được điều trị COVID-19 trong thời gian bị cách ly”, bác sĩ Thủy cho biết thêm.
Một điểm đáng ghi nhận là 2.200 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được theo dõi và thăm khám ở Trung tâm y tế quận Gò Vấp đều được ưu tiên tiêm vaccine phòng chống COVID-19 từ sớm. Có bệnh nhân HIV/AIDS đã bị nhiễm COVID-19 nhưng cho đến nay không có ca nào tử vong.
Tại Nghệ An, bác sĩ Nguyễn Song Hà, Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: Thời gian qua do tình hình dịch COVID-19, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ y tế của tỉnh vẫn bảo đảm khá tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tỉnh vẫn duy trì hoạt động 9/9 phòng xét nghiệm khẳng định HIV trên địa bàn, bảo đảm chất lượng xét nghiệm HIV; đa dạng hóa dịch vụ xét nghiệm HIV tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV, các cơ sở y tế, tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động tại 21 huyện, thành, thị; tư vấn, chuyển gửi thành công người nhiễm HIV từ cơ sở xét nghiệm đến kết nối điều trị HIV/AIDS… 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho gần 90 nghìn người.
Trong hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, tỉnh duy trì hoạt động tại 12 cơ sở điều trị Methadone và 20 điểm cấp phát thuốc trên địa bàn. Tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone là 1.095 người, tổng số bệnh nhân đang điều trị Buprenophine tại 9 cơ sở là 65 người… Hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại 21/21 huyện, thành, thị xã được duy trì ở 25 cơ sở chăm sóc và điều trị, cấp phát thuốc tại xã, phường ở 8 huyện.
Sáng tạo mới của Nghệ An trong bối cảnh dịch COVID-19 là triển khai mô hình xét nghiệm không chuyên qua website. Hệ thống cán bộ y tế giới thiệu website này cho người dân. Người dân thông qua website để đặt lấy test nhanh (nước bọt) về tự xét nghiệm HIV. Test nhanh sẽ được cán bộ y tế Nghệ An gửi phát nhanh về tận địa chỉ người nhận. Sau test nhanh, người tự xét nghiệm chụp hình ảnh gửi lên website và cán bộ y tế sẽ cập nhật, gọi điện tư vấn. Cách làm này đã hạn chế được việc tiếp xúc trực tiếp. Sau 10 tháng triển khai, website đã có 1.982 đơn hàng, cho kết quả có 80 test nhanh phản ứng HIV, 78 người được xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV. Tất nhiên, sáng kiến này vẫn có những nhược điểm nhất định khi người ở vùng sâu, vùng xa có hạ tầng thông tin kém vẫn chưa thể tiếp cận.
Trong thời gian nhiều địa phương phải thực hiện phong toả, giãn cách do dịch COVID-19, Nghệ An cũng đã chủ động áp dụng quy định của Bộ Y tế để cấp 3 tháng thuốc điều trị ARV và thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Cán bộ y tế sẵn sàng đến tận nhà đưa thuốc cho người nhiễm, người nghiện… Đối với nhóm MSM, Nghệ An thực hiện tiếp cận thông qua cộng tác viên - đại diện các câu lạc bộ MSM để tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ kỹ thuật.