“Chấm dứt bất bình đẳng, Kết thúc AIDS” là chủ đề của ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) năm nay, với mục đích kêu gọi mọi người cần tập trung vào việc quan tâm tới những người yếu thế trong xã hội; hạn chế sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng thời tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Theo báo cáo của Cơ quan của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) một số quốc gia đang đi chệch hướng trong việc thực hiện cam kết chung để chấm dứt bệnh hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) do virus HIV gây ra vào năm 2030, mà một trong những nguyên nhân chính là vấn đề bất bình đẳng.
Sự bất bình đẳng theo UNAIDS chính là sự kỳ thị, phân biệt, đối xử ảnh hướng đến cơ hội tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế, từ xét nghiệm đến điều trị, của người có HIV. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng là một nguyên nhân gây thêm tình trạng bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe tới người có HIV.
Các lệnh phong tỏa và những biện pháp hạn chế khác nhằm phòng chống COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xét nghiệm HIV ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến việc chẩn đoán, chuyển tuyến đến các dịch vụ chăm sóc và điều trị ban đầu cho người có nguy cơ phơi nhiễm hoặc có HIV.
Theo các nghiên cứu từ Anh và Nam Phi, nguy cơ người có HIV tử vong do COVID-19 cao gấp đôi so với người bình thường. Tuy nhiên, ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara, nơi tập trung tới 67% số người có HIV trên toàn thế giới, đến tháng 7 vừa qua, chỉ chưa đầy 3% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.
Riêng năm 2020, thế giới ghi nhận tới 1,5 triệu ca HIV mới, không đạt mục tiêu đề ra là duy trì số ca HIV mới dưới con số 500.000. Cùng thời gian này, khoảng 680.000 người có HIV đã tử vong. Tỷ lệ tỷ vong hàng đầu vẫn là phụ nữ tuổi từ 15- 49 tại khu vực châu Phi và những trường hợp mắc mới phần lớn là trẻ em gái tuổi từ 15-19, một thực tế càng thể hiện rõ vấn đề bất bình đẳng.
Báo cáo AIDS năm 2021 của UNAIDS cho thấy đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại, nhất là đối với hệ thống y tế của những quốc gia có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất, khiến việc tiếp cận những dịch vụ liên quan đến AIDS trở nên khó khăn hơn. Những người có HIV là đối tượng dễ bị tổn thương, phải đối mặt với “mối đe dọa kép” và chính đại dịch COVID-19 đang khiến cộng đồng quốc tế có nguy cơ khó có thể chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030.
UNAIDS cảnh báo nếu không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng, thế giới có thể phải chứng kiến 7,7 triệu ca tử vong do AIDS trong vòng 10 năm tới.
Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima cho biết: Đây là một lời kêu gọi hành động khẩn cấp. Theo bà Winnie Byanyima, tiến bộ chống lại đại dịch AIDS, vốn đã bị tụt lại phía sau, hiện đang đối mặt với những khó khăn thậm chí còn lớn hơn khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn các chương trình phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS.