Người chuyển giới có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn. Vì thế cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của họ, đồng thời cung cấp các dịch vụ dự phòng để làm giảm đáng kể nguy cơ lây lan HIV và nâng cao chất lượng sống cho họ.
Tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang tăng cao
Trong một nghiên cứu mới năm 2021 của Viện Williams về Định hướng Tình dục và Luật Bản dạng và Chính sách, cho thấy tại Mỹ, chỉ 3% người trưởng thành chuyển giới (đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV) tham gia sử dụng thuốc Truvada như một biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
23% người chuyển giới có nguy cơ cao lây nhiễm HIV chưa từng được xét nghiệm HIV, trong khi chỉ 46% trong số đó được xét nghiệm HIV hàng năm theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Việc xét nghiệm HIV thường xuyên theo khuyến nghị của CDC Mỹ được thực hiện nhiều hơn ở nhóm người chuyển giới da màu và nhóm thực hiện tìm kiếm trực tuyến các nguồn thông tin sức khỏe cho người chuyển giới.
Ít hơn một nửa (48%) người chuyển giới có quan hệ tình dục thường xuyên đã biết đến PrEP và 72% trong số họ có thái độ tích cực với nó. Những người chuyển giới nam (58%) hoạt động tình dục thường xuyên biết đến với PrEP nhiều hơn phụ nữ chuyển giới (35%).
Điều tra viên chính của nghiên cứu Ilan H. Meyer, Tiến sĩ, Học giả Cao cấp về Chính sách công tại Viện nghiên cứu Williams cho biết: Nhận thức về PrEP quá thấp trong nhóm phụ nữ chuyển giới có quan hệ tình dục thường xuyên là một yếu dẫn đến tỉ lệ nhiễm HIV cao ở nhóm đối tượng này. Điều đáng lo ngại là một tỉ lệ đáng kể những người chuyển giới có quan hệ tình dục thường xuyên không được xét nghiệm hoặc không tham gia sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV.
Tại Việt Nam, trong khi tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy giảm thì lại gia tăng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). MSM là nhóm đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, giám sát trọng điểm năm 2018 chỉ ra tỉ lệ hiện nhiễm trong nhóm này là 10,8% tăng nhanh so với năm 2011 chỉ là 2,9%. Tỉ lệ nhiễm mới HIV cao trong nhóm MSM cũng tăng lên từng năm. Một số địa phương người nhiễm HIV mới được phát hiện có tới hơn 50% là nhóm MSM và MSM đang được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.
Với người chuyển giới nữ, một nghiên cứu ở TPHCM gần đây nhất đã phát hiện 18% người chuyển giới nữ nhiễm HIV và mắc bệnh giang mai. Trong số đó, chỉ có 46% người chuyển giới nữ tham gia bảo hiểm y tế.
Trả lời trên báo chí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết một nghiên cứu với số lượng tham gia nghiên cứu là 456 người từ 18 tuổi trở lên, là người chuyển giới nữ, sống tại TPHCM ít nhất 3 tháng… Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nhiễm HIV của nhóm chuyển giới nữ là 16,5%, tỉ lệ đã mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục là 50%, 40% nữ chuyển giới có sử dụng chất gây nghiện trong 30 ngày, hầu hết nhóm chuyển giới nữ không dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm...
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, kết quả này cho thấy mức độ nhận thức và sử dụng các công cụ dự phòng HIV trong cộng đồng chuyển giới là thấp. Tuy nhiên, khi được hỏi thì nhiều phụ nữ chuyển giới sẵn sàng sử dụng và ở một mức độ nào đó, sẵn sàng chi trả cho xét nghiệm HIV và PrEP.
Ông Hoàng Đình Cảnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, việc tiếp cận với các công cụ dự phòng HIV thiết yếu và có tính sáng tạo như xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV; dự phòng trước phơi nhiễm và sau phơi nhiễm HIV (PrEP and PEP); sử dụng bao cao su chất lượng cao, giá cả phù hợp là yếu tố quan trọng để loại trừ HIV ở Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với những người chuyển giới.
Giúp người chuyển giới tiếp cận các dịch vụ điều trị HIV/AIDS
Theo các nhà chuyên môn, những nguyên nhân khiến tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới gia tăng nhanh ở Việt Nam là do hành vi tình dục của người nam có quan hệ tình dục với nam chủ yếu qua đường hậu môn (niêm mạc ở trực tràng dễ bị tổn thương và dễ bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo); số lượng bạn tình của nhóm MSM nhiều hơn tỉ lệ của các đối tượng khác và thường không ổn định; các bệnh lây truyền khi quan hệ tình dục cũng khiến tăng tỉ lệ lây nhiễm HIV; sự kì thị của xã hội đã khiến họ e ngại khi tiếp cận các điều trị dự phòng; nhiều người chuyển giới ưu tiên tiêm hoocmon hơn là điều trị HIV; đặc biệt là nhận thức về nguy cơ lây nhiễm HIV của người chuyển giới chưa cao và đồng đều…
Nhằm giúp người chuyển giới ngăn ngừa, dự phòng và giúp làm giảm lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục, thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo triển khai cung cấp PrEP đến một loạt các phòng khám công, phòng khám cộng đồng và tư nhân. ED-PrEP đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua vào tháng 7/2019 và được cập nhật trong Hướng dẫn quốc gia về PrEP của Việt Nam. Như vậy, nhóm MSM có thể lựa chọn chỉ dùng PrEP khi có hành vi nguy cơ cao, thay vì cần uống hàng ngày trong thời gian dài.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, mặc dù mới triển khai nhưng PrEP đã có một số lượng khá lớn khách hàng sử dụng, góp phần ngăn chặn dịch HIV có xu hướng tăng nhanh ở nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao. Tuy nhiên để nâng cao nhận thức về PrEP đối với các đối tượng đích hơn nữa, mở nhanh dịch vụ ở những tỉnh, thành phố có tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM cao, thu hút được nhiều khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV vào điều trị PrEP thì cần có kết nối tốt hơn giữa các nhóm cộng đồng và cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, duy trì tỷ lệ điều trị cao, đồng thời đưa khách hàng bị đồng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến các chuyên khoa liên quan để được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, cần tuyên truyền để nhóm MSM giảm thiểu số lượng bạn tình. Hạn chế số lượng bạn tình sẽ làm giảm nguy cơ lây lan HIV; truyền thông về việc điều trị đúng cách sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và nếu họ đạt được tải lượng dưới ngưỡng phát hiện (K=K) sẽ không có nguy cơ lây lan HIV sang người khác.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: Người chuyển giới có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn và họ có thể gặp rào cản trong việc tiếp nhận điều trị do bất bình đẳng về sức khỏe. Loại bỏ những rào cản này và làm cho các biện pháp can thiệp và điều trị dễ tiếp cận hơn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ lây lan HIV và nâng cao chất lượng sống cho họ.