Nhờ quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) tham gia chi trả cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS, đến nay nguồn tài chính trong nước đã chiếm tới 70% khoản chi này.
Bệnh nhân nhận thuốc điều trị từ BHYT. Ảnh: Thùy Chi |
Duy trì bền vững ứng phó quốc gia với HIV
Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 theo Quyết định 1899/QĐ-TTg. Để hướng tới kết thúc dịch AIDS, Bộ Y tế cũng nghiên cứu để đề xuất cấp thẩm quyền các chính sách hướng tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030.
Trải qua gần 10 năm, Việt Nam đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS với nhiều kết quả ấn tượng. Đặc biệt, Quỹ BHYT đã chi trả tiền mua thuốc ARV và các bệnh tật khác trong phạm vi chi trả cho các bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT, đây là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Hiện có 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm.
Từ chỗ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ nước ngoài để chi trả cho dùng thuốc kháng virus ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS, đến nay tổng quỹ BHYT chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS chiếm tới 25% nguồn lực trong nước, và hơn 70% chi phí cho thuốc ARV, với mức bình quân khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm. Đây là phần chi phí nhiều nhất trong chữa trị HIV/AIDS.
Để làm được điều đó, Bộ Y tế đã giao các đơn vị liên quan của bộ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm việc cung ứng thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT chi trả liên tục và ổn định, bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT. Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động về tài chính cho các dịch vụ điều trị HIV qua quỹ BHYT chi trả. Từ năm 2019 đến nay, quỹ BHYT đã đáp ứng tới 70% tổng nhu cầu thuốc ARV tại Việt Nam, trong khi giai đoạn trước đó (khi quỹ BHYT chưa thanh toán), nguồn lực trong nước cho thuốc ARV chiếm chưa tới 10%.
Các chuyên gia quốc tế ghi nhận, việc đưa các dịch vụ điều trị HIV thuộc phạm vi quỹ BHYT chi trả là tiến bộ của Việt Nam trên hành trình hướng tới duy trì bền vững ứng phó quốc gia với HIV.
Giải pháp để bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bền vững
Từ năm 2013 về trước, thuốc ARV dùng cho chữa trị HIV tại Việt Nam được cung cấp bởi các nguồn tài trợ quốc tế là chủ yếu (trên 90%). Tuy nhiên, từ năm 2014, quỹ BHYT bắt đầu tham gia thanh toán tiền thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT. Chính thức từ tháng 3/2019, quỹ BHYT thanh toán cho các cơ sở điều trị chỉ định thuốc ARV điều trị HIV. Từ đó tới nay, bình quân mỗi năm quỹ BHYT thanh toán cho khám chữa bệnh và thuốc ARV điều trị HIV khoảng 400 tỷ đồng/năm, dự kiến năm 2022 - 2023 số chi này sẽ vượt 400 tỷ đồng/năm.
Nếu năm 2016, tỉ lệ người mắc HIV tham gia điều trị thuốc ARV có thẻ BHYT mới chỉ đạt 50%, đến năm 2022 con số này đã lên đến 95%, giúp bệnh nhân HIV/AIDS có thể theo đuổi chương trình điều trị kéo dài.
Với BHYT thanh toán cho điều trị HIV/AIDS, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới về chuyển đổi cơ chế tài chính từ nguồn viện trợ sang chủ động trong nước. Đặc biệt, BHXH Việt Nam được trao cơ chế đặc thù thanh toán trực tiếp cho nhà cung ứng thuốc ARV để bảo đảm việc điều phối thuốc trong giai đoạn đầu điều trị HIV.
Bên cạnh đó, hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc ARV để giúp việc tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân. Tới nay đã có hơn 70.000 bệnh nhân nhận HIV dùng thuốc ARV được quỹ BHYT chi trả, thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm người nhiễm HIV điều trị ARV được chuyển sang quỹ BHYT chi trả thay cho nguồn viện trợ.
Trước đó, tháng 8/2020, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030, với định hướng người bị nhiễm HIV sẽ được tạo thuận lợi tối đa tham gia BHYT. Trong đó, với nhóm giải pháp về tài chính, Chính phủ đặt mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS; đặc biệt, mở rộng điều trị HIV/AIDS do quỹ BHYT chi trả theo quyền lợi của người tham gia BHYT; có cơ chế phù hợp để 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT...
Anh Nguyễn Văn H, người điều trị nhiễm HIV tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ban đầu anh kiên quyết từ chối không tham gia BHYT vì sợ lộ danh tính, e ngại phải đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi được nhân viên phòng khám tư vấn anh đã tham gia và thấy rõ được những lợi ích và quyền lợi của người tham gia điều trị. Do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại phải nuôi mẹ già và 2 con nhỏ, kinh tế gia đình do anh phải một tay chèo chống. Chính vì vậy, việc được BHYT thanh toán, hỗ trợ điều trị giúp anh H được điều trị bền vững. Theo anh H thì BHYT chính là giải pháp "cứu cánh" cho anh và gia đình.
Chú trọng đối tượng đích trong phòng, chống HIV/AIDS
Trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030, các mục tiêu, giải pháp đều hướng tới tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030...
Để đạt được các mục tiêu trên, thì việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là việc rất quan trọng. Chia sẻ với báo chí, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Trong suốt thời gian qua, chúng ta có thể nhìn thấy bước đầu đã thành công trong việc chuyển giao dần các nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS từ viện trợ quốc tế sang ngân sách từ Chính phủ BHYT và các địa phương, kể cả sự đóng góp của cộng đồng tư nhân. Trong đó, 80% nguồn lực từ viện trợ quốc tế được chuyển đổi sang cho phía BHYT đối với công tác chăm sóc và điều trị.
Theo đó, Quỹ BHYT là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Quỹ BHYT đến nay trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh BHYT và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV nguồn quỹ BHYT, nâng tỷ trọng của Quỹ BHYT trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 20% nguồn lực trong nước cho HIV.
Ngân sách Nhà nước thông qua Chương trình quốc gia của phòng chống HIV/AIDS, dự án phòng, chống HIV/AIDS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế dân số giai đoạn vừa qua cũng đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh thành phố thực hiện các mục tiêu của chiến lược và chiếm tới gần 10%. Các nguồn xã hội hóa khác cũng tăng đáng kể lên tới 8%.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thu Hương cũng cho biết, một trong những khó khăn nhất hiện nay là các hoạt động liên quan tới dự phòng. Đối với công tác dự phòng không phải dễ dàng để có thể huy động được các nguồn lực, hay huy động được người dân sẵn sàng bỏ chi phí vì họ không nhìn thấy hiệu quả ngay lập tức được…
Nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong rằng, các tỉnh, thành phố trong thời gian qua đã có những nguồn ngân sách ban đầu cho chương trình phòng chống HIV/AIDS như: Điều trị, BHYT cho điều trị, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm… thì sẽ tiếp tục tăng nguồn ngân sách, cũng như đưa thành những tiêu chí cụ thể để giúp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai thuận lợi, hiệu quả và không bị gián đoạn do thiếu kinh phí.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết: Công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong số ít các bệnh nhận được sự đồng hành của các đối tác quốc tế hỗ trợ cả về kỹ thuật cũng như tài chính và kể cả vận động chính sách.
"Các đối tác quốc tế cũng đã sẵn sàng phối hợp với Việt Nam, trong khoảng 2- 3 năm tới tiếp tục nghiên cứu, cũng như lập được kế hoạch phù hợp để chọn được các mục tiêu, đối tượng ưu tiên can thiệp. Bởi nguồn ngân sách hạn chế, thì không thể nào dàn trải cho toàn bộ người dân Việt Nam, mà sẽ chú trọng vào các đối tượng đích, từ đó tiến tới bảo đảm kết quả phòng, chống và điều trị HIV/AIDS hiệu quả", bà Phan Thị Thu Hương cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin