Do hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi, chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên trẻ, do đó, việc thay đổi cả hình thức cũng như nội dung truyền thông tạo cầu phòng, chống HIV/AIDS để thông điệp truyền thông đến đúng đối tượng là hết sức cần thiết.
Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi |
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2022, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác chiến lược liên tục đa dạng hóa các phương thức, nội dung và các kênh truyền thông. Hoạt động truyền thông tạo cầu PrEP cũng như truyền thông phòng, chống HIV/AIDS hiện tại chủ yếu bao gồm các hoạt động truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông online.
Các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng được tăng cường thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về HIV/AIDS cũng như xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Đài Phát thanh và Truyền hình ở trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, với khả năng tiếp cận đông đảo các nhóm khách hàng đích, việc tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như các trang Fanpage cộng đồng, Facebook, Tiktok, Zalo, các ứng dụng hẹn hò Blued, Grindr... là một kênh quan trọng không thể bỏ qua.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chú trọng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại các trường Đại học, Cao đẳng, THPT và các khu công nghiệp. Tại đây, mạng lưới khu vực y tế tư nhân cũng như các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng phối hợp với các cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các thông điệp qua cụm panô, khẩu hiệu, băng rôn; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp với các CLB của trường tổ chức các buổi nói chuyện về phòng, chống HIV/AIDS; truyền thông nhóm nhỏ tại khu nhà trọ của công nhân, tại điểm nóng (mát xa, xông hơi, ...), quán cà phê; Các sự kiện truyền thông tạo cầu PrEP cũng đem lại sức hút lớn đối với các bạn trẻ trong việc tìm hiểu dịch vụ HIV/AIDS, đem lại lượng khách hàng lớn cho chương trình điều trị PrEP, 92% lượng khách hàng PrEP được tiếp cận thông qua Hoạt động truyền thông tạo cầu của chương trình.
Về nội dung truyền thông, chú trọng vào các nội dung: Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong cả các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, Cục sẽ chú trọng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS; Xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV; Lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tuân thủ điều trị cũng như việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về; Lợi ích cũng như sự cần thiết, cách tham gia cũng như tuân thủ dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP); Lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin